Tối 13-10, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chuyên môn y tế nhằm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Không làm ảnh hưởng đến "mục tiêu kép"
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 cho thấy sự chủ động, linh hoạt, kịp thời nhằm vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điểm đáng chú ý trong quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" là việc phân loại cấp độ dịch làm 4 cấp: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh. Cấp 2: nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. Cấp 3: nguy cơ cao, tương ứng với màu cam. Cấp 4: nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ.
Nghị quyết đáp ứng với điều kiện thực tế hiện nay trên quan điểm là chấp nhận không thể "không Covid" nhưng vẫn bảo đảm được phòng chống dịch hiệu quả. Việc đánh giá nguy cơ dựa trên quy định mới, đó là đánh giá nguy cơ không chỉ ở trên số ca bệnh nữa mà dựa vào cả các chỉ số như: phòng chống dịch bệnh, tỉ lệ tiêm chủng, khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị, kiểm soát ca bệnh. Dựa trên cơ sở của đánh giá, các địa phương vừa phòng chống được dịch bệnh vừa triển khai các hoạt động kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân. Đặc biệt tránh các hiện tượng mỗi nơi làm một kiểu, gây ách tắc đi lại cũng như tốn kém nguồn lực.
Điểm đáng chú ý, quy mô đánh giá và áp dụng có thể từ tuyến xã, phường hoặc nhỏ hơn. "Ví dụ có vài ca bệnh một thôn, xóm nhưng phong tỏa cả huyện chẳng hạn. Đánh giá nguy cơ sai, không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép của địa phương đó mà còn ảnh hưởng tới cả các địa phương khác. Không thể một xã, phường có dịch mà lại áp dụng cho cả một quận, huyện, TP" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Bên cạnh Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể để có đầy đủ các quy định từ đánh giá nguy cơ đến triển khai các hoạt động phù hợp theo tình hình mới bảo đảm thực tiễn để các địa phương thực hiện mà không phải theo Chỉ thị 15, 16, 19.
"Các địa phương cần có kế hoạch triển khai hiệu quả, không được làm khác, dẫn đến tình trạng "ngăn sông cấm chợ", ảnh hưởng đến "mục tiêu kép". Khi các địa phương thực hiện trái nghị quyết phải báo cáo Thủ tướng hoặc Bộ Y tế" - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Hà Nội được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ 50% công suất từ ngày 14-10. Ảnh: NGÔ NHUNG
Không chỉ định xét nghiệm đối với đi lại của người dân
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về chuyên môn cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo đó, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Cụ thể, xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) người lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người đã khỏi bệnh, các địa phương chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch sẽ được thực hiện tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp. Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1), cần thực hiện cách ly theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) được cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.
Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn khác như tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó đẩy nhanh tốc độ tiêm, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Đối với công tác bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương.
Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Nhiều địa phương nới lỏng
HÀ NỘI: Ngày 13-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công điện hỏa tốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới. Theo đó, từ 6 giờ ngày 14-10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Xe buýt, taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn. Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi.
ĐÀ NẴNG: Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết căn cứ vào các chủ trương mới của trung ương, TP sẽ chỉ đạo để rà soát về công tác phòng chống dịch phù hợp với thực tế. TP sẽ đề nghị được bố trí vắc-xin nhằm phủ 100% mũi 1 và tổ chức tiêm cho người từ 12-17 tuổi.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng, đã đề nghị UBND TP quán triệt 6 nguyên tắc trong phòng chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ để sớm ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phân loại cấp độ dịch từ phường, xã để sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.
KHÁNH HÒA: Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, tỉnh này hiện không còn áp dụng theo các Chỉ thị 16, 15, 19 của Thủ tướng Chính phủ mà áp dụng theo cấp độ 4 từ tháng 9. Các văn bản đã ban hành trước kia đã áp dụng phù hợp với Nghị quyết mới và ở mức thấp nhất.
Trong ngày 13-10, nhiều cửa hàng ăn uống đã mở cửa trở lại. Ngày 15-10, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nới lỏng khi áp dụng giai đoạn 2, đó là mở lại du lịch trong nước. Từ ngày 18-10, học sinh THCS, THPT có thể đi học tại nhà trường.
Bình luận (0)