Chiều 31-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng điểm quan trọng khi xây dựng dự án luật là nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, làm thế nào để người dân vượt qua được rào cản tâm lý, dám lên tiếng trước các hành vi bạo lực gia đình.
Trên thực tế, theo đại biểu Ấn, con cái có dám tố cáo cha mẹ, vợ có tố cáo chồng hay không, việc này thuộc về thay đổi nhận thức thì khi thực thi luật mới có hiệu quả. Ông cũng băn khoăn khi không ít hành vi bạo lực khó gọi tên cụ thể để đưa vào dự thảo luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến khi thảo luận tại tổ
Nêu ý kiến tại tổ với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc xây dựng bộ luật này là điều không đơn giản, bởi vấn đề rất rộng, ai cũng nói được nhưng thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Nhắc lại quá trình báo cáo trước Uỷ ban Xã hội của Quốc hội để thẩm tra trình dự án luật, vấn đề vợ gây sức ép để chồng phải đi làm kiếm thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ, chức kia có phải hình thức bạo lực gia đình không.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ra những vấn đề đó và đề nghị các đại biểu góp ý thêm cho đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình để đưa vào dự thảo luật.
Cũng liên quan đến việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, có những hành vi bạo lực gia đình cụ thể, rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, cũng có những hành vi không nghĩ đó là bạo lực gia đình nhưng lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần...
Theo bà Dung, chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen vợ hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, rồi "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh đến việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Theo bà Thoa, các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục đối với trẻ em cần được quy định rõ hơn, đặc biệt là bạo lực về tinh thần.
Theo vị đại biểu, hành vi ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần. "Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Vì từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ dẫn tới căng thẳng tâm lý, gây áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ. Đó có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử" - vị đại biểu đoàn Hải Dương cho hay.
Bình luận (0)