Chiều 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) nghe tờ trình về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) và sau đó thảo luận ở tổ về 2 nội dung này.
Dành đất cho con cháu
Theo tờ trình của Chính phủ một số chỉ tiêu được nêu ra: Quy hoạch đến năm 2030 diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349.000 ha; quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 xác định là 15,85 triệu ha (hiện là 15,4 triệu ha). Đối với đất phi nông nghiệp năm 2020 có 3,93 triệu ha, mục tiêu đến năm 2030 là 4,9 triệu ha.
Phát biểu tại tổ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn ĐBQH TP HCM) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có bình quân đất đai thấp nên phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, dành đất cho thế hệ con cháu. Đất không sinh ra nên phải quản lý, sử dụng hiệu quả, đây là yêu cầu rất lớn, lâu dài.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị. Ảnh: NGUYỄN NAM
Theo Chủ tịch nước, đầu nhiệm kỳ đã thu hồi lại đất của cảng Quy Nhơn. "Xã hội hóa, tư nhân hóa cái gì nhưng cái gì nhà nước cần quản lý để mãi mãi đời sau thì chúng ta phải giữ, chứ không phải vô nguyên tắc trong cổ phần hóa về đất đai" - Chủ tịch nước lưu ý và dẫn chứng thời gian qua người giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai với các cấp, ngành. Trong quy hoạch sử dụng đất, Chủ tịch nước tán thành việc giữ lại quy hoạch đất lúa hơn 3,5 triệu ha. Chúng ta không nói sản xuất lương thực bằng bất cứ giá nào, không phải làm lúa để dân nghèo, mà chúng ta khoanh lại đất lúa 3,5-3,6 triệu ha để "cắm cọc" cho con cháu đời sau. Phải tạo ra không gian, chính sách sử dụng linh hoạt chặt chẽ để sử dụng diện tích đất này.
Ngoài việc chống tiêu cực, tham nhũng trong đất đai, theo Chủ tịch nước, vấn đề cải cách hành chính và công khai hóa rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải có công nghệ, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải rõ hơn. Phải biết lô đất này ở đâu, vị trí nào, của ai.
Quy hoạch treo gây lãng phí
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét lại quy hoạch sử dụng đất đô thị bởi thời gian qua, nhiều quỹ đất dành cho phát triển đô thị bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Việc tăng quỹ đất đô thị cần được cân nhắc, tính toán xem có phù hợp với từng địa phương hay không? Điều này cũng nhằm tránh lãng phí tài nguyên quốc gia. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất cũng cần được đặt trong tổng thể quy hoạch từng vùng với những nhu cầu thực tiễn ở nơi đó.
Cũng góp ý về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Ninh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất quan trọng vì liên quan, có tác động rất lớn đến quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Dù vậy, ông Cường nhìn nhận lấy ý kiến nhân dân hiện nay chủ yếu theo hình thức đăng trên cổng thông tin điện tử nhưng hiệu quả sẽ không cao. Nội dung quy hoạch rất lớn, rất chuyên sâu, bản đồ thì rất nhỏ nên rất khó theo dõi, vì vậy người dân rất khó đóng góp ý kiến khi việc tiếp cận internet đối với không ít người vẫn hạn chế.
Vẫn theo ĐB Cường, qua giám sát của QH cho thấy chất lượng quy hoạch không cao, thậm chí quy hoạch treo gây lãng phí rất nghiêm trọng. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá dự thảo này đã khắc phục được những bất cập đó chưa?
Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (TP HCM) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của QH, cho biết nhiều năm qua đã có những quy hoạch sử dụng đất nhưng công tác dự báo để quy hoạch của nhiều địa phương không ổn và "quy hoạch treo" dẫn đến lãng phí và xảy ra khiếu kiện, khiếu nại nhiều. Rất nhiều hệ lụy xảy ra khi quy hoạch treo, do đó cần hạn chế thấp nhất việc này. Ông Đức cũng đề nghị làm sao hạn chế thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp "bờ xôi ruộng mật" làm khu công nghiệp. Rất nhiều đất "bờ xôi ruộng mật" cách đây vài chục năm lúa bạt ngàn, sau dành cho các khu công nghiệp mọc lên nhưng hiệu quả không cao.
Đẩy mạnh đầu tư công
Thảo luận tại tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đã bàn rất kỹ về đề án kế hoạch này trước khi trình QH. Năm 2021 chúng ta vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Hiện Bộ Tài chính đang thiết kế các gói kích thích kinh tế, quản lý theo từng gói để bảo đảm có hiệu quả.
Về giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng mục tiêu chuyển đổi số là dài hạn nhưng trong ngắn hạn, doanh nghiệp đang cần thị trường, nhân lực, vốn và tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Hiện các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, đang tham mưu cho Thủ tướng tháo gỡ các vướng mắc, phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương.
Theo ông Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế khiến quý III tăng trưởng âm. Hiện chúng ta chuyển sang giai đoạn khác, kinh tế, đời sống đi vào trạng thái bình thường mới nên việc Chính phủ xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là rất kịp thời. Nếu QH thông qua thì cần thực hiện ngay.
Ông Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ có giải pháp để đẩy mạnh đầu tư công, tăng tốc giải ngân trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Phải đánh giá tính khả thi
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) băn khoăn về mục tiêu Chính phủ đặt ra là tới năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Theo ông An, giai đoạn vừa qua chúng ta đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp nhưng cũng chưa hoàn thành. Trong bối cảnh hiện nay, phải đánh giá lại mục tiêu này. Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế nhưng khi chúng ta đưa ra số lượng 1,5 triệu doanh nghiệp thì phải đánh giá tính khả thi. Chúng ta nên quan tâm chất lượng nhiều hơn là số lượng.
Bình luận (0)