Trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết để khắc phục, trong đó có tình trạng trì trệ được Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ nghiêm khắc phê phán, yêu cầu phải cải thiện. Cũng có thể xem đây là một loại bệnh cần phòng chống, nên Thủ tướng dùng khái niệm "virus trì trệ" là chí lý.
Trong buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vào ngày 20-2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), báo cáo VNR đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng VNR không còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên không áp dụng quy định này, chưa được giao dự toán ngân sách, dẫn đến 11.000 nhân viên như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác của VNR vẫn chưa có lương. Ông cho biết Bộ GTVT và VNR đã nhiều lần báo cáo lên cấp thẩm quyền nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Tại buổi làm việc gỡ khó cho ngành bất động sản vào ngày 22-2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra không hài lòng khi doanh nghiệp (DN) trình bày từ những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng...) dẫn đến 11 tháng qua DN không xin được quyết định chủ trương đầu tư để triển khai dự án.
Với VNR, có thể cảm thông cho hoàn cảnh DN nhưng không thể không hỏi ngược rằng: Vì sao VNR được bàn giao từ tháng 11-2018 mà đến nay không xử lý được vấn đề? Trách nhiệm do ai, vì sao xảy ra tình trạng trì trệ như thế, phải làm rõ địa chỉ trách nhiệm mới trị dứt bệnh trì trệ. Với câu chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch kéo dài 11 tháng ở TP HCM, theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, đây là chuyện rất nhỏ nhưng chỉ vì sự phối hợp không đồng bộ thì cái giá phải trả là 11 tháng chờ đợi của DN; dứt khoát phải chấn chỉnh tình trạng này, phải hỗ trợ DN và hứa được, làm được.
Bên cạnh tình trạng khó khăn chung do ảnh hưởng dịch Covid-19 (DN ngưng hoạt động, gần 10.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, đời sống), nhiều DN đã nỗ lực trụ lại, ổn định sản xuất. Hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh, thành từng bước phục hồi. Trong khó khăn, những nỗ lực và kết quả của DN, của người dân là rất đáng trân trọng, có giá trị gấp bội so với lúc bình thường. Từ đó, càng phải chống "virus trì trệ" mạnh tay hơn. Còn rất nhiều địa chỉ điển hình của căn bệnh trì trệ cần xử lý, trong khi chúng ta không thiếu "thuốc đặc trị" để phòng chống "virus trì trệ".
Đợt dịch Covid-19 cũng là dịp để rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các bộ ngành, địa phương, các cơ quan, DN, từ đó nhanh chóng khắc phục, nỗ lực vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Bình luận (0)