ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết theo thông tin cập nhật đến ngày 17-10 của dự án theo dõi đập Mê Kông (dự án MDM), việc tích nước của các đập trong lưu vực bắt đầu giảm vì các đập lớn đã gần đầy.
Do đập thủy điện thượng nguồn tích nước nên năm nay lũ về ĐBSCL thấp
Lũ thấp do đập từ thượng nguồn
Trong các tuần tới, sông Mê Kông sẽ đạt chế độ chảy tự nhiên theo lượng mưa, cho đến khi các đập xả nước vào mùa khô để phát điện và trong mùa khô mực nước sẽ cao hơn mực nước tự nhiên. Cụ thể, 11 đập ở Trung Quốc đã đầy 84%, ước lượng khoảng 20,5 tỉ m3, đã được chứa vào các hồ. Còn 34 các đập ở hạ lưu vực đang chứa khoảng 16,6 tỉ m3, đạt 75% dung tích.
Phần lớn dòng sông Mê Kông ở hạ lưu vực mực nước vẫn thấp hơn bình thường. Theo mô hình dòng chảy tự nhiên (natural flows model) của Tổ chức Eyes on Earth thì tại Chiang Sean (Thái Lan), mực nước thấp hơn 60% so với tự nhiên (nếu không có đập) và 57% thiếu hụt tại Vientiane (Lào). Hầu hết các đoạn trên dòng chính sông Mê Kông và hồ Tonle Sap đều dưới mực nước trung bình nhiều năm (TBNN) cho thời điểm này.
Lũ thấp trong nhiều năm làm thủy sản tự nhiên suy giảm
Về tình hình thời tiết, ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng cung cấp thêm rằng Trung tâm Dự báo Khí tượng quốc gia Mỹ cập nhật đến ngày 18-10 thì điều kiện La Nina đã được thiết lập với khả năng xuất hiện La Nina đến 87%, có nghĩa là từ đây đến hết mùa mưa sẽ có mưa nhiều hơn bình thường và mùa mưa có thể kéo dài.
"Với tình hình như thế, có thể rút ra rằng mùa lũ năm nay về ĐBSCL bị thấp và muộn là do 11 đập ở phía Trung Quốc và 34 đập ở chi lưu ở phần hạ lưu vực (Thái Lan, Lào, và Tây Nguyên) đã tăng cường tích nước. Tuy nhiên, mùa khô năm 2022 và sau Tết ở ĐBSCL sẽ ít có khả năng bị hạn mặn gay gắt, thậm chí có thể không có hạn, mặn hơn TBNN" - ThS Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cũng lưu ý với ngành sản xuất nông nghiệp là với tình hình La Nina xuất hiện, có thể có mưa trái mùa trong mùa khô, ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 và các loại hoa màu như hành tím, đậu phộng, củ sắn.
Người dân ở An Giang đánh bắt thủy sản mùa lũ về
Chủ động trữ nước ngọt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng. Trong mùa khô 2021 - 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu khả năng thấp hơn TBNN từ 8%-15%. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và cao hơn TBNN nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019 - 2020.
ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận định năm nay lũ về ĐBSCL thấp do lượng mưa trên thượng nguồn giảm và các đập thủy điện tại Trung Quốc giữ nước lại.
"Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay mưa kéo dài hơn mọi năm, thay vì mùa mưa thường chấm dứt vào tháng 10 thì có thể kéo dài sang tháng 11, 12 và thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa trái mùa có thể giải được cơn mặn. Vì vậy, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào mùa khô năm 2022 sẽ nhẹ hơn" - ThS Kỷ Quang Vinh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp và nông dân nên chủ động trữ nước ngay bây giờ để bảo đảm lượng nước tưới, đủ nước sinh hoạt.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), địa phương đã lên kế hoạch ứng phó với mùa khô năm 2022. Theo đó, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền và đề nghị thường xuyên theo dõi thông tin về hạn, mặn để chủ động nguồn nước tưới; địa phương tập trung xây dựng đập ngăn mặn, hồ trữ nước… "Vụ sản xuất hoa Tết nguyên đán năm 2022 có tháng cuối của năm rơi vào thời điểm hạn, mặn nhưng nhà vườn đã chủ động trữ nước tưới" - ông Liêm nói.
Trong khi đó, người nông dân cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn qua nhiều năm. Để thích ứng với xu thế chung, bà Nguyễn Thị Đẹp (ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã mua 2 túi trữ nước ngọt để dùng tưới vườn chôm chôm mỗi khi vào mùa hạn, mặn. Bên cạnh đó, bà Đẹp cũng thường xuyên theo dõi về thông tin hạn, mặn trên báo, đài và đo độ mặn để có cách thích ứng kịp thời.
Suy giảm nguồn thủy sản tự nhiên
Từ năm 2000-2002, ở ĐBSCL đều xuất hiện lũ lớn, có năm mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75 m. Tuy nhiên, hơn 10 năm gần đây, lũ lớn xuất hiện ít dần, trong thập kỷ này chỉ có năm 2011 xuất hiện lũ lớn, tần suất lũ nhỏ và trung bình lại tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tần suất xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL chỉ còn 7%, nghĩa là 10 - 15 năm mới có một lần lũ lớn dù các đập thủy điện trên thượng nguồn mới xây dựng được 50%. Đến khoảng năm 2040, nếu toàn bộ quy hoạch thủy điện ở thượng nguồn hoàn thành thì lũ lớn chỉ còn 1%, nghĩa là cả trăm năm mới có 1 mùa lũ lớn.
ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng thời gian lũ đến và mực nước lũ cao hay thấp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Với tình hình mùa lũ thấp liên tục trong nhiều năm như vừa qua, thủy sản tự nhiên đã suy giảm vì không đủ nước và thời gian để sinh sản. Dù có lũ về lại thì thủy sản tự nhiên vẫn chưa thể phục hồi.
Theo đó, bà con sinh sống bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng lũ đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang không nên đầu tư quá nhiều vào ngư cụ trong vài năm tới. Với người dân nuôi thủy sản dựa vào mùa lũ thì nên lường trước tình huống lũ về muộn vài tuần đến một tháng với năm bình thường hoặc chậm 2 tháng nếu mùa khô trước đó bị hạn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)