xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ động phòng chống hạn, mặn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã và đang xây dựng các giải pháp ứng phó nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ đến sớm hơn mọi năm do tác động của hiện tượng El Nino

Đến giờ, người dân các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn nhớ như in những thiệt hại về sản xuất do tác động của hiện tượng El Nino năm 2019-2020 gây ra. Lúc đó, nắng nóng kéo dài, hạn, mặn chưa từng thấy dẫn đến thiếu nước đã khiến nhiều diện tích lúa và rau màu của người dân chết khô.

Ám ảnh hạn, mặn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng này sẽ tiếp tục duy trì đến các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85%-95%. Trong các tháng mùa khô 2023-2024, ĐBSCL nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như năm 2019-2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng nhận định hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra với cấp độ cao (cấp độ 3-4) trên phạm vi rộng. Ở ĐBSCL, tình trạng này có khả năng kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025.

Theo nhiều người dân ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, nắng nóng gay gắt kéo dài trong đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019-2020 đã khiến nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái… giảm năng suất, thậm chí chết khô vì thiếu nước; tôm nuôi chậm lớn. Hiện tượng thời tiết cực đoan này còn khiến nhiều tuyến đường giao thông sụt lún.

Ông Nguyễn Văn Khởi - ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết trước đó, ông và nhiều hộ dân đã chủ động đào kênh, ao… trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, tất cả đều trở nên vô dụng khi nắng nóng kéo dài, dẫn đến nước bốc hơi rất nhanh. Sông rạch khô trơ đáy và người dân thiếu nước tưới tiêu.

"Thời điểm đó, hơn 0,5 ha dưa leo của gia đình tôi đang tươi tốt, chuẩn bị cho trái thì không đủ nước tưới nên bị vàng lá, chậm phát triển. Dù đã tìm mọi cách cứu cây trồng nhưng không được nên tôi đành bỏ luôn" - ông Khởi nhớ lại.

Chủ động phòng chống hạn, mặn - Ảnh 1.

Phòng ngừa hạn, mặn đến sớm, người dân miền Tây trữ nước ngọt để tưới tiêu, sinh hoạt. Ảnh: NGỌC TRINH

Hạn chế thấp nhất thiệt hại

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng kế hoạch ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của El Nino.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký chỉ thị về việc chủ động ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN-PTNT thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời đưa ra hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… cho từng khu vực; tuyên truyền, khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến để hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Tại Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các địa phương bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước của các trạm và nhà máy; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để kịp thời khắc phục hư hỏng trên các tuyến ống, bảo đảm vận hành liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành chỉ thị về việc chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Theo đó, Vĩnh Long sẽ bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng; chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng cây trồng trong thời gian bị ảnh hưởng thời tiêt cực đoan.

Chủ động phòng chống hạn, mặn - Ảnh 2.

Hồ Núi Dài 2 ở An Giang đã xây dựng hoàn thành, chờ nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Ảnh: VĨNH KỲ

Tính chuyện lâu dài

Các cơ quan chuyên môn ở An Giang đang kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại những hồ chứa phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các huyện để vận hành, tích nước cho hợp lý. An Giang cũng triển khai nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy; đắp đập tạm ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi và lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng cho mọi tình huống.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi, thực hiện nhiều giải pháp sử dụng nước tiết kiệm và có kế hoạch phân phối hợp lý. Nếu xảy ra hạn hán, An Giang ưu tiên cung cấp đầy đủ nước cho dân sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu".

Tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên ở An Giang, 3 hồ trữ nước ngọt Tà Lọt (dung tích khoảng 531.000 m3), Núi Dài 2 (558.000 m3) và Cô Tô (193.000 m3) đang dần hoàn thiện với tổng kinh phí trên 457 tỉ đồng. Trong đó, hồ Núi Dài 2 đã hoàn thành, đang chờ nghiệm thu để đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, nhận xét: "Các hồ trữ nước có ý nghĩa rất quan trọng với các vùng cao như Tri Tôn. Các phòng chuyên môn của huyện đã có kế hoạch hạn chế ảnh hưởng của El Nino nếu xảy ra, nhất là khi các hồ chứa nước ngọt đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả cao".

Về lâu dài, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, UBND tỉnh An Giang đã đề xuất xây dựng hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên với tổng mức đầu tư hơn 3.185 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Dự án này có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6 km, quy mô hơn 3.050 ha, nằm phía hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc - Tịnh Biên; tổng dung tích trữ nước 94,53 triệu m³.

Sau khi hoàn thành, hệ thống nêu trên có thể phục vụ nước tưới cho khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Đặc biệt, công trình này còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn.

Tỉnh Kiên Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành những hạng mục xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, mặn xâm nhập. Trong đó, một số công trình điển hình là: âu thuyền T3 - Hòa Điền (huyện Kiên Lương); cống, âu thuyền Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành); cống trên các tuyến đê biển... 

Theo PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nguồn nước tiềm năng về ĐBSCL trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức thấp, tương tự năm 2015-2016 và 2019-2020. Bên cạnh đó, ảnh hưởng El Nino và việc vận hành bất thường các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn rất có thể xảy ra, vì vậy có nguy cơ gây ra tác động tương tự các năm hạn, mặn khốc liệt gần đây. Mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn có khả năng đến sớm và diễn biến bất thường, ảnh huởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ven biển ĐBSCL.

Hoa Tết có thể bị ảnh hưởng

Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết theo dự báo, nhiệt độ cao và xâm nhập mặn sẽ đến sớm vào các tháng cuối năm nay.

Ông Liêm lo ngại: "Thời tiết khắc nghiệt như vậy sẽ ảnh hưởng diện tích hoa trồng phục vụ thị trường Tết. Trước tình hình này, ngành NN-PTNT đã khuyến cáo người dân trữ nước tưới, chăm chút kỹ vườn hoa để giảm hư hại".


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Chủ động phòng chống hạn, mặn - Ảnh 5.
Chủ động phòng chống hạn, mặn - Ảnh 6.
Chủ động phòng chống hạn, mặn - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo