Theo thống kê, mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm hơn 16.345 nhà bị ngập; 3.470 hộ dân với trên 8.800 nhân khẩu phải di dời; 1 người chết, 1 người mất tích do lật ghe.
Lũ lớn do mưa đột biến, hồ chứa quá sức
Đến tối 15-11, vẫn còn hơn 80% địa bàn TP Huế và nhiều khu vực thấp trũng của các huyện, thị xã khác của tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong lũ. Nhiều người dân ở TP Huế thắc mắc vì sao ở khu vực mình sinh sống dù mưa không lớn, ngắt quãng nhưng lũ lại cao, nước sông Hương vượt đỉnh lũ năm 2020, có phải do thủy điện xả lũ?
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, dù khu vực đồng bằng ven biển từ ngày 12 đến 14-11 lượng mưa chỉ từ 60-120 mm nhưng khu vực miền núi ở huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc (thượng nguồn sông Hương) có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 500-900 mm, có nơi cao hơn 1.100 mm. Vì vậy, những hồ chứa ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế nhanh chóng đầy nước, phải điều tiết về hạ du.
Trong đó, ở thượng nguồn sông Hương, hồ thủy điện Bình Điền vào đêm 14-11 nhận lượng nước về là 2.068 m3/giây nhưng không thể giữ lại mà giải phóng xuống hạ du khi mực nước trong hồ gần đạt mực nước dâng bình thường. Tương tự, hồ thủy lợi Tả Trạch nhận lưu lượng nước về lớn nhất với 4.992 m3/giây, xả về hạ du 2.263 m3/giây. Để tham gia cắt giảm lũ, hồ Tả Trạch xin chuyển đổi điều tiết từ 5 cửa sang 4 cửa tràn xả mặt hồ từ rạng sáng 15-11.
Nước lũ dâng cao khiến người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải di chuyển trên đường phố bằng thuyền Ảnh: QUANG TÁM
Đối với sông Bồ vào đêm 13-11, thủy điện Hương Điền nhận lưu lượng nước về lớn nhất với 6.161 m3/giây. Đến ngày 15-11, khi mực nước trong hồ đã ngang mực nước dâng bình thường (+58 m) thì hồ không thể giữ nước, cắt lũ nên lưu lượng đến 3.038 m3/giây cũng được giải phóng về hạ du.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết các hồ thủy lợi, thủy điện đang vận hành bảo đảm an toàn. Các chủ đập đã thường xuyên cập nhật tình hình vận hành hồ chứa, cung cấp thông tin cho văn phòng thường trực, thông báo điều tiết cho các địa phương, đơn vị chủ động.
Để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, bảo đảm cắt nước cho hạ du, ngay từ ngày 10-11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Trong đó, yêu cầu thủy điện Hương Điền điều tiết với lưu lượng từ 400-600 m3/giây. Đến ngày 13-11, yêu cầu tăng lên 600-1.000 m3/giây. Còn đối với hồ Bình Điền tăng lưu lượng từ 150-500 m3/giây từ ngày 10-11, hồ Tả Trạch là từ 250-700 m3/giây.
Ký kết quy chế phối hợp vận hành xả lũ
Tại tỉnh Quảng Nam, một trong số các địa phương có thủy điện nhiều nhất nước với 40 dự án được phê duyệt, trong đó có nhiều thủy điện lớn ở thượng nguồn, việc vận hành xả lũ một cách phù hợp đã góp phần giảm lũ, giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Từ năm 2019 đến nay, công tác vận hành xả lũ ở tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện khá bài bản. Đó là khi có dự báo mưa lớn, UBND tỉnh yêu cầu các thủy điện luân phiên nhau xả nước để có dung tích đón lũ, giảm ngập cho hạ du. Khi hạ du nước lớn, các thủy điện cũng được vận hành luân phiên với lưu lượng xả lũ phù hợp xuống các nhánh sông Vu Gia, Thu Bồn. Nhờ đó, chính quyền địa phương và người dân chủ động các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 19 hồ thủy điện được tổ chức vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Để vận hành hồ đập thủy điện an toàn, hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh với các chủ đập thủy điện, giữa các chủ đập thủy điện với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện vùng hạ du trong công tác phối hợp vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ.
"Có thể thấy việc quản lý, vận hành và chế độ thông tin, báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện thực hiện bảo đảm theo quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành đơn hồ chứa và các quy chế phối hợp được ký kết. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm lũ, chậm lũ cho hạ du trong mùa lũ và bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân vùng hạ du và chống xâm nhập mặn trong mùa cạn" - ông Bửu nhìn nhận.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, để ứng phó với mưa lớn, tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, chủ các hồ chứa thủy điện triển khai phương án vận hành và bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ
Ngày 15-11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1095/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân...
Sau 2 ngày mưa lớn liên tục, từ chiều 14 đến sáng 15-11, tại tỉnh Quảng Nam, do nước lớn từ thượng nguồn đổ về, một số khu vực thấp trũng như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An bị ngập lụt cục bộ. Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến 14-11, gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn khiến đất đá vùi lấp mặt đường, hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 15-11, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... Dự báo ngày 16-11, tại các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa to, từ 100 - 500 mm.
S.Bồ - T.Thường - T.Trực - V.Duẩn
Bình luận (0)