Hồi cha tôi còn sống, ông có kể về người em bà con chú bác với cha, người vẫn thường hay đến chơi với cha hồi còn ở quê nhà mà chúng tôi gọi chú Hai. Ông là giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê.
Những cuộc hội ngộ âm thầm
Hồi nhỏ, giáo sư sống bên họ ngoại, còn tôi cháu họ nội. Giáo sư không biết tôi vì lúc giáo sư sang Pháp tôi chưa được sinh ra đời. Khoảng giữa năm 1982, tôi đang dạy học thì có người bạn cho biết giáo sư Trần Văn Khê hôm ấy về nói chuyện ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tôi thấy lòng nôn nao, muốn chạy về để được nghe giọng nói ấm áp, lĩnh hội kiến thức uyên thâm và âm thầm tự hào: dòng họ Trần nhà tôi đó!
Vậy là tôi gửi lớp cho một đồng nghiệp rồi tất tả vừa đi vừa chạy vượt qua 6 cây số đường đất nhỏ gồ ghề, qua hàng chục cây cầu khỉ lắt lẻo. Và vì gấp nên tôi bị trượt ngã, một bên ống quần sứt chỉ quá đầu gối, lộ một vết xước rướm máu. Tôi vẫn để vậy đi vào phía sau hội trường, ngồi lặng lẽ ở một góc nhỏ nghe ông nói. Có mấy người nghe tiếng động, quay lại nhìn tôi lạ lẫm.
Năm 1983, tôi được chuyển về Vĩnh Kim dạy. Năm đó, giáo sư một lần nữa về quê cũng lên hội trường xã nói chuyện về ẩm thực, trường phân công tôi dẫn học sinh sang tặng hoa cho ông. Cũng những người bà con họ ngoại được mời ngồi ở hàng ghế trên, còn tôi, sau khi nhờ một đồng nghiệp đưa học sinh về trường, lại đứng nép vào một góc hội trường theo dõi, say đắm và hãnh diện mặc dù chẳng một người nào biết về mối liên hệ họ hàng giữa tôi và giáo sư.
Tác giả và chú Hai - giáo sư Trần Văn Khê
Lúc giáo sư ra về, tà áo rộng của người phớt ngang mặt tôi, dìu dịu một mùi hương quý phái. Tôi cảm nhận sự thân thương lẫn niềm tự hào lặng lẽ, đồng thời những giọt nước mắt tủi thân cũng thánh thót rơi, nhạt nhòa vết phấn mà tôi đã tỉ mẩn trang điểm để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này...
Mặc dù vậy, tôi không dám đến chào chú vì thấy mình nhỏ bé và sợ mọi người nghĩ tôi "thấy sang bắt quàng làm họ". Trong khi những con cháu khác được tíu tít bên chú Hai thì tôi một mình lủi thủi như con mèo ướt mắc mưa, một con mèo bị bỏ quên phía sau một cuộc sum vầy. Lúc đó, tôi tự thấy thương mình lắm.
Hồi còn đi học, tôi là đứa giỏi văn, cũng được thầy cô, bạn bè ở trường biết đến và có tập tành chút đỉnh văn chương nhưng chưa dám "trình làng". Tôi cũng muốn thử chút thời vận, biết đâu có một ngày chú Hai sẽ nhận ra tôi.
Tôi bắt đầu làm thơ gửi báo. Mới đầu thơ tôi gửi một vài tờ báo nhưng không được đăng, tôi cũng nản. Gặp lúc gia đình khó khăn mà nghề giáo lúc bấy giờ, đồng lương không đủ nuôi con, tôi lại muốn bỏ nghề. Nếu không có cái buổi chiều hôm ấy, có lẽ cuộc đời tôi sẽ thay đổi theo một hướng khác.
Đó là vào một ngày của năm 1998 (sau lần gặp giáo sư Trần Văn Khê ở quê nhà ngót 15 năm), tôi bỗng nhận được báo biếu từ Bưu điện Vĩnh Kim, vậy là cuối cùng thơ tôi cũng được Tạp chí Văn Nghệ TP HCM đăng. Tôi mừng như bắt được vàng, càng mừng hơn khi nhà báo Lê Phương Chi lúc đó phụ trách mục Thơ Đường của báo gọi điện mời tôi họa thơ của nhóm thơ Quỳnh Dao gồm: nhà thơ Huy Cận, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Vũ Hạnh, BS Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương...
Bước ngoặt cuộc đời
Một ngày cuối đông, nhà báo Lê Phương Chi gửi bài thơ của giáo sư Trần Văn Khê mời tôi họa. Có lẽ đó là sự sắp đặt của ông trời hay do sự ngẫu nhiên tôi cũng không biết nữa. Sau đó, nhà báo Lê Phương Chi gọi điện nói cho tôi biết khi đọc xong bài thơ họa của tôi, giáo sư nhờ ông hỏi tôi là con cái nhà ai vì tôi ở cùng quê với giáo sư. Lúc đó, tôi mới nói mình là cháu gọi giáo sư bằng chú Hai và kể chuyện 2 lần gặp chú Hai tại quê nhà vừa mừng vừa tủi, đồng thời gửi gia phả qua để xác định tôi là con cháu họ Trần. "Anh Khê đọc gia phả thì rưng rưng nói: Nó đúng là con cháu họ Trần nhà tôi rồi!" - nhà báo Lê Phương Chi kể lại.
Có lẽ nhà báo Lê Phương Chi đã kể lại chuyện tôi 2 lần gặp chú mà không dám lại chào, nên liền sau đó, tôi nhận được bức thư giáo sư Trần Văn Khê gửi cho tôi bằng chữ viết tay:
"Anh Lê Phương Chi có chuyển đến chú Hai bài thơ cháu họa vận bài thơ Khai bút Nhâm Dần và Tự thuật của chú, chú rất vui mừng và vô cùng xúc động khi đọc đến câu "Thương quá là thương họa mấy vần" và được biết cháu là con người bà con của chú mà chú gọi là anh Hai Diệp, con của bác Năm Lưu... Sao cháu ngần ngại không đến chào chú và giới thiệu bà con. Chú đi xa có nhiều việc nhưng quý trọng và không quên bà con. Lần sau, chú có dịp về Vĩnh Kim sẽ mong gặp được cháu, một đứa cháu ruột thịt lại có tài làm thơ cũng một phần do huyết thống trong gia đình. Trong hoàn cảnh đất nước ngày nay làm nghề giáo viên là một cử chỉ hy sinh cuộc đời cho việc đào tạo thế hệ tương lai"...
Ban khen của giáo sư Trần Văn Khê gửi hai con trai tác giả. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cũng từ đó, dù nghèo túng, tôi đã bỏ ý định nghỉ dạy để tìm một việc khác có thu nhập khá hơn nhưng không phải là nghề mình yêu thích, chỉ vì câu nói của chú Hai: "Nghề giáo viên là một cử chỉ hy sinh…". Từ đó, tôi cũng tập tành viết lách với sự nghiêm túc và thận trọng khi nghe chú Hai bảo tôi "là một đứa cháu cưng trong gia đình họ Trần mà cũng là một bạn thơ của chú Hai". Mặc dù tôi không có thành tựu gì lớn nhưng những gì chú Hai đã nghĩ về tôi là một động lực rất lớn để tôi hoàn thiện chính mình trong phạm vi có thể, đó chính là cảm hứng, là niềm tin và cả sự cố gắng của tôi trên mỗi chặng đường.
Cuối cùng thì tôi đã có thể được đi theo con đường mình từng chọn. Trong cái khoảnh khắc gần như tuyệt vọng ấy thì bài thơ mà Tạp chí Văn Nghệ TP HCM đăng vào đúng thời điểm đã vực tôi dậy và làm thay đổi tương lai của tôi. Vì có thể, chú Hai sẽ mãi mãi không biết trên đời này có một đứa cháu là tôi và có thể tôi sẽ không còn đứng trên bục giảng để được tận hiến.
Từ đó, những lần chú Hai về thăm quê lại có thêm một địa chỉ ghé qua. Lúc ấy, nhà tôi còn rất nghèo nhưng chú Hai không câu nệ. Và mỗi lần chú về, con cháu họ nội cũng vui mừng quây quần bên chú đầm ấm, thương yêu!
Để khích lệ hai con trai tôi khi các cháu đạt nhiều giải thưởng và đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, chú Hai tự tay viết Ban khen cho. Các cháu quý lắm, nhờ mẹ ép nhựa lộng vào khung treo lên. Và tấm Ban khen ấy luôn theo hai cháu trên từng chặng đường, giúp các cháu vững vàng hơn mỗi lần tưởng chừng vấp ngã.
Cảm thông với nỗi lo toan vất vả của vợ chồng tôi, chú Hai ngỏ ý giúp đỡ nhưng chúng tôi không nhận vì lòng tự trọng. Mỗi lần chú Hai về rồi đi, mấy bà thím trong xóm rỉ tai hỏi "cho nhiêu?", tôi cảm thấy như mình bị xúc phạm.
Biết tôi nghèo nhưng tự trọng, chú Hai không cho tiền mà bắt phải nhận nhuận bút của mấy tờ báo ở quê nhà mỗi lần họ xin bài của chú và tôi cũng không tiện từ chối vì sợ chú Hai nghĩ mình nghèo mà bày đặt làm cao! Mặc dù số tiền không nhiều nhưng tôi rất quý. Ngoài niềm tự hào về chú, chúng tôi còn cảm thấy rất ấm áp từ những hành động, cử chỉ yêu thương rất bình dị nhưng tinh tế của người!
Những lúc ở quê lên TP HCM thăm chú Hai, tôi thường mang biếu chú vú sữa Vĩnh Kim trồng trên mảnh đất nhà, chú Hai vui lắm. Có một lần, cô Na (người chăm sóc cho chú Hai) thấy vú sữa tôi mới mang lên định dùng sau vì có thể để được lâu, cô ấy đòi xẻ vú sữa mua ở chợ bữa trước nhưng chú Hai ngăn lại, đòi nhất định xẻ vú sữa quê dùng trước, chú bảo: "Vì chú thèm hương vị quê nhà!".
Chú tôi, dù đi đâu, làm gì, nổi tiếng thế nào, vẫn cứ là người của đất quê!
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)