Ngày 27-8, nhân mùa Vu lan báo hiếu, chùa Yên Tử - Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty Thần Châu Ngọc Việt đã tổ chức lễ chú nguyện khai tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tái khởi công chế tác bảo tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni.
Bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng ngọc bích Jadeite
Bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng ngọc bích Jadeite có kích thước 1-1 với phiên bản của tượng Phật Hoàng trong tháp tổ.
Bức tượng dự kiến sẽ được Công ty Thần Châu Ngọc Việt dâng thờ chùa Yên Tử vào ngày 13-12-2023 (tức ngày 1-11 năm Quý Mão) nhân ngày giỗ của thứ 715 của Phật Hoàng, đồng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và kỷ niệm 20 năm Hòa thượng Thích Thanh Quyết về trụ trì chùa Yên Tử.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại lễ chú nguyện khai tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho hay: “Bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp tổ Hoa Yên được đức vua Trần Anh Tông, con trai Phật hoàng, tạc đúng một năm ngay sau ngày mất của đức ngài, vì vậy chắc chắn hình tượng đó phải giống ngài nhất. Chính vì vậy tôi khuyên đơn vị lựa chọn hình tượng này của đức Phật, đưa thứ tinh túy nhất của tháp tổ truyền đến cho con cháu đời sau”.
Ngọc bích thiên nhiên là tên gọi chung cho hai loại ngọc bích Jadeite và ngọc Nephrite. Tuy nhiên, giá trị của ngọc Nephrite thấp hơn so với ngọc bích Jadeite - là loại ngọc dùng để tạc tượng Phật Hoàng.
Ngọc bích Jadeite được khai thác chủ yếu ở vùng mỏ Myanmar, quốc gia có mỏ ngọc bích Jadeite lớn nhất (hơn 90% sản lượng).
Độ bóng của ngọc bích Jadeite là độc nhất so với các loại ngọc quý khác. Ngọc bích Jadeite còn thường được gọi là "phỉ thúy", nghĩa là trong một miếng ngọc có cả màu xanh lá cây và màu đỏ. "Phỉ" nghĩa là phần ngọc màu đỏ có được ở lớp thứ hai của khối ngọc bích Jadeite. "Thúy" là phần màu xanh lá cây, phần lõi, phần quan trọng nhất của một khối ngọc bích Jadeite. Ngọc bích Jadeite còn có độ trong suốt như kính có độ mê hoặc kỳ lạ.
Trong thế giới đá quý, ngọc "phỉ thúy" được xếp vào hàng cao cấp. Đặc biệt đối với người tiêu dùng Á Đông ngọc Jadeite được yêu thích không những là vật trang sức mà còn là những văn hoá phẩm thuộc hàng đắt tiền nhất.
Trong lịch sử các triều đại vua chúa hàng ngàn năm qua của nhiều nước hiện còn bảo tồn những di vật vô giá bằng ngọc Jadeite.
Tượng Phật hoàng quý giá không chỉ bởi giá trị của ngọc bích Jadeite mà còn bởi sự trau chuốt, công phu đến từ đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân và tấm lòng biết ơn những công lao và sự đề cao nhân đức, triết lý sống tốt đời đẹp đạo của Phật hoàng.
Bức tượng sẽ được dâng thờ chùa Yên Tử vào ngày 13-12-2023 (tức ngày 1-11 năm Quý Mão) nhân ngày giỗ của thứ 715 của Phật Hoàng
Đại lễ khởi công chế tác tượng đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích Jadeite lớn nhất thế giới đã từng được khởi động đầu năm 2010 nhưng sau đó dừng lại và hôm nay tái khởi công
Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay di nguyện của nghệ nhân Đào Trọng Cường là muốn tạo tác một pho tượng có tầm cỡ, giá trị.
Nối tiếp di nguyện dang dở của cố nghệ nhân Đào Trọng Cường, Công ty Thần Châu Ngọc Việt tiếp tục tái khởi công chế tác tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni lớn nhất thế giới, khối ngọc sẽ được chế tác bởi các nghệ nhân kiệt xuất trong và ngoài nước.
Phật ngọc sẽ được tạo nên từ khối đá quý "đình đám" một thời từng làm nức lòng những nhà buôn ngọc trên thế giới - "khối ngọc hoàn hảo gần như không có một vết nứt". Năm 2009, cố nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường đã đưa thành công khối ngọc bích Jadeite tuyệt mỹ nặng 35 tấn, được khai thác từ một mỏ ngọc lớn nhất Myanmar về Việt Nam. Khối ngọc quý này đã phải trải qua các chặng đường đầy ly kỳ, khó khăn trong suốt 3 năm mới về đến Việt Nam.
Dự kiến sau khi hoàn thành tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc Jadeite sẽ nặng tới 16 tấn, cao 3 m, chiều ngang là 2 m và chiều dài 1 m. Bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60 cm, mỗi chiều là 2,1m.
Đây cũng sẽ là pho tượng Phật ngọc Jadeite lớn nhất thế giới.
Lễ chú nguyện khai tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và lễ tái khởi công chế tác bảo tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni lớn nhất thế giới được Chư Tôn Đức cao tăng Phật giáo Việt Nam chứng minh và gia trì vào đúng dịp Vu lan báo hiếu tại non thiêng Yên Tử, hồi hướng công đức và nguyện lực để nguyện cầu quốc thái dân an, nhân sinh an lạc.
Bình luận (0)