Khi tôi tốt nghiệp đại học và bước chân vào nghề báo, năm 1975, thì chú Nguyễn Sơn đã là một cán bộ có thâm niên, có uy tín của Ban Tuyên giáo trung ương. Suốt thời gian làm việc ở Báo Phụ Nữ TP HCM với nhiều cương vị, tôi có nhiều dịp được làm việc trực tiếp với chú, khi ấy là Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản và Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.
Tận tụy với công việc
Chú Nguyễn Sơn là người tận tụy với công việc của mình. Điều đó dễ nhận biết qua các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần mà chú thường giữ vai trò nhận xét báo chí và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy TP HCM, ý kiến định hướng của lãnh đạo Ban Tuyên giáo đối với các báo. Rất đầy đủ, rất khách quan. Chú cũng sẵn sàng trao đổi, thậm chí tranh luận với lãnh đạo các báo về những điểm khác biệt trong nhận thức về các chỉ đạo, định hướng ấy.
Lễ viếng ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Nhìn vào những biểu hiện đó, không dễ biết là chính chú cũng có những điểm chưa hoàn toàn nhất trí với một số chỉ đạo, định hướng của cấp trên. Nhưng chú không dùng diễn đàn giao ban để thể hiện sự chưa nhất trí đó của mình. Vì, như chú đã có lần tâm sự, vẫn có cách để giải quyết sự khác nhau, thậm chí sự khác biệt khá lớn trong nhận thức, bằng các nghiên cứu căn cơ, bằng các hội thảo khoa học thay vì để cho việc điều hành hiện tại bị ảnh hưởng vì các bất đồng không dễ giải quyết trong một, hai cuộc giao ban.
Chú luôn nói sau nội dung truyền đạt và trao đổi, tranh luận: "Những điểm chưa thống nhất với nhau tại giao ban này, chúng ta vẫn còn cơ hội trao đổi thêm, kỹ hơn tại các buổi làm việc ngoài giao ban, tại các cơ quan báo". Nói như sự đồng tình của nhiều người đồng thế hệ với chú thì "Nguyễn Sơn là một cán bộ trung kiên của Đảng, người cán bộ tuyên giáo đầy tâm huyết", có lẽ chính là ở khía cạnh này.
Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác của người cán bộ tuyên giáo Nguyễn Sơn, không kém thú vị. Đó là một người biết rõ mình đang làm việc trong một lĩnh vực của chữ nghĩa, cần chữ nghĩa để tác động đến con người bằng chữ nghĩa.
Đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn
Chú Nguyễn Sơn luôn tìm cách đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn phạm vi đọc - biết của những cán bộ tuyên giáo thuộc thế hệ mình, ít nhất là ở TP HCM từ sau năm 1975. Nhờ đó, khi trao đổi, tranh luận mức độ hẹp với các nhà báo mà chú phụ trách, gần như không có độ vênh tạo ra sự khó chịu giữa hai bên. Thỉnh thoảng, chú đưa ra nhận xét: "Báo chí phương Tây tự do hơn báo chí Việt Nam trong các đề tài và cách thể hiện. Phương Tây có chính trị gia, còn chúng ta thì mới chỉ có các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ chính trị. Đến lúc nào đó có sự khác đi, chưa biết, nhưng bây giờ thì chưa phải là lúc đặt ra vấn đề này".
Có lần, Báo Phụ Nữ TP HCM bị nhận xét trong giao ban về bài viết nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài viết có tựa đề "Tướng Giáp - những chuyện nhỏ của không gian và thời gian". Chú Nguyễn Sơn nhận xét: "Cách đặt vấn đề trong bài viết và cách đặt tựa giật gân theo kiểu báo chí phương Tây cần được rút kinh nghiệm. Ban biên tập có nghĩ không, nhân vật trong bài là một vị tướng có tầm trí thức lớn, ông đâu có cần được "tính sổ" như cách viết bài của các đồng chí".
Người đại diện Ban Biên tập Báo Phụ Nữ TP HCM khi ấy có tranh luận lại rằng có thể vị tướng ấy không cần "tính sổ", nhưng người đọc lại cần biết những câu chuyện nào đã diễn ra trong chiều dài và chiều rộng của lịch sử để tiếp cận chính xác hơn sự thật về một nhân vật đặc biệt của lịch sử dân tộc. Và, người có trách nhiệm thực hiện nhu cầu đó của bạn đọc, không ai khác hơn là nhà báo.
Chú Nguyễn Sơn khi ấy đã điềm tĩnh trả lời: "Không sai, nhưng không phải là lúc này". Lúc nào thì được? Chú Nguyễn Sơn không nói và mãi sau này, khi cả chú và người tranh luận năm ấy đều đã rời khỏi nhiệm sở, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ...
Đề cao trình độ nghiệp vụ
Ít ai biết, người phê bình các nhà báo trong các cuộc giao ban là chú Nguyễn Sơn, nhưng người tìm cách bảo vệ các nhà báo trong các cuộc họp của cấp có thẩm quyền để xét kỷ luật các nhà báo cũng là chú Nguyễn Sơn. Khi việc bảo vệ không thành, hoặc không hoàn toàn như mong muốn, chú đã rất buồn và cảm thấy có lỗi. Chuyện này chú Nguyễn Sơn không bao giờ kể mà là những người đáng tin cậy biết chuyện đã kể lại với sự xúc động chân thành...
Khi nhận xét người giữ cương vị phụ trách các tờ báo, chú Nguyễn Sơn bao giờ cũng đặc biệt đề cao trình độ nghiệp vụ báo chí (viết, biên tập, chỉ đạo và tổ chức đề tài, khả năng tập hợp người làm báo...) bên cạnh đạo đức, nhân cách và khả năng tổ chức các mối quan hệ xã hội, kinh tế lành mạnh phục vụ việc làm báo. Có lần, trong khi bàn về nhân sự các cơ quan báo chí, chú bảo: "Phân công người phụ trách cơ quan báo chí không có nghiệp vụ và năng lực làm báo sẽ làm khổ cho chính người ấy và đặc biệt cho cơ quan báo".
Xúc động ghi vào sổ tang
Đến chào vĩnh biệt chú Nguyễn Sơn sáng 2-10, tôi thực sự xúc động khi đọc được những dòng trong sổ tang... "Anh là người cán bộ tuyên giáo tâm huyết và bản lĩnh" (Võ Thị Dung). "Anh là tấm gương về sự liêm khiết, trong sáng; là người cán bộ tuyên giáo sâu sắc; là người luôn dìu dắt thế hệ lớp sau với tấm lòng của người đi trước" (Thân Thị Thư). "Anh là người có nhiều đóng góp cho ngành báo chí - xuất bản trung ương và TP HCM. Thương nhớ một người anh tận tụy, chí tình" (Trần Đình Việt). "Rất buồn, nhớ và thương tiếc anh - một người đồng chí, một người bạn thân tốt bụng thường cùng tôi chia sẻ buồn vui" (Phạm Văn Hùng).
Chắc là vẫn còn những nhà báo chưa kịp đến viếng chú Nguyễn Sơn hoặc đã đến mà không ghi vào sổ tang, nhưng trong lòng họ, chú Nguyễn Sơn vẫn là một con người chân thành, trong sáng, vô vụ lợi khi đóng góp, xây dựng cho hoạt động báo chí, cho đội ngũ báo chí của TP này.
Riêng người viết bài này xin được chú từ thế giới bên kia nhận cho lòng biết ơn và sự nể trọng của một nhà báo đối với một cán bộ phụ trách báo chí tử tế, có trình độ, có tâm và có tình.
Quan tâm đến nhiều người
Có lẽ, cũng rất ít người biết, chú Nguyễn Sơn là người rất tình cảm và có sự quan tâm cụ thể đến nhiều người trong đội ngũ làm báo ở TP HCM. Các nữ nhà báo có hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo, hiếm muộn con cái đều được chú thông qua các nữ chuyên viên của Phòng Báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy thăm hỏi chu đáo.
Bình luận (0)