Tôi có 8 năm tham gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải với tư cách chuyên gia tư vấn. Khi đó, tôi 45 tuổi, đang là phó giám đốc một cơ quan ngang sở của TP HCM, thuộc diện trẻ nhất và chức vụ thấp nhất trong ban.
Lẽ ra...
Những chuyên gia ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng phần lớn là các anh chị, các chú đã từng hoặc đang là thứ trưởng, bộ trưởng hay cấp tương đương; hoặc là giáo sư, tiến sĩ, học giả lỗi lạc, tuổi đời phần lớn "ngũ thập nhi tri thiên mệnh" trở lên.
Sau 5 năm hoạt động như là một bộ phận trong Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng được nâng cấp thành một cơ quan ngang bộ, có tư cách pháp nhân độc lập. Điều bất ngờ, tôi nhận được một lá thư đề ngày 2-3-2004, do chính Thủ tướng Phan Văn Khải ký tên, mời tôi tiếp tục tham gia ban.
Lá thư này hiện tôi còn giữ như một kỷ niệm quý. Vì sao? Vì với tôi, cả về nội dung và hình thức, lá thư ngắn ngủi ấy là một mẫu mực về cách đối xử của một nhà lãnh đạo rất cao của Đảng và nhà nước đối với những chuyên gia, trí thức mà ông muốn mời tư vấn cho mình. Khi ấy, tôi chỉ đáng tuổi con cháu, chức vụ thấp, cũng không thuộc diện tài năng xuất chúng, lại là người mấy năm qua ông đã vài lần nghe những lời nói thẳng, nói hết, kể cả những lời góp ý, phê phán những yếu kém của bộ máy Chính phủ.
Lẽ ra, chỉ cần trưởng ban - một người cấp bộ trưởng - viết thư mời là đủ nhưng ông lại đích thân mời, ký tên bằng bút mực, đóng dấu treo của Thủ tướng. Lẽ ra, chỉ cần ghi "thân gửi" hay "mến gửi", ông viết "kính gửi". Lẽ ra, chỉ cần viết "tôi mời đồng chí", ông viết "tôi xin mời đồng chí làm chuyên gia tư vấn".
Thông thường, một số người lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước sẽ coi lời mời ấy như là một vinh dự cho cấp dưới và việc cấp dưới chấp nhận vinh dự ấy là điều đương nhiên, rồi sẽ kết thúc thư mời bằng những cụm từ như "mong đồng chí cố gắng tham gia tốt công việc" hay "chúc đồng chí mạnh khỏe, làm việc tốt". Thế nhưng, ông lại kết thúc lá thư bằng câu: "Rất mong được đồng chí nhận lời mời của tôi". Nghĩa là, ông không coi việc nhận lời là đương nhiên mà bày tỏ "rất mong được nhận lời". Ở trên đầu lá thư đề "Phan Văn Khải - Thủ tướng Chính phủ" nhưng cuối thư, bên dưới chữ ký, chỉ đề "Phan Văn Khải", không nhắc lại chức vụ Thủ tướng.
Thủ tướng Phan Văn Khải tại một hội thảo về TP HCM vào năm 2015Ảnh: hOÀNG TRIỀU
Khiêm tốn, thân tình
Có người sẽ đặt câu hỏi: Ông đối xử như vậy nhưng có thực sự và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tư vấn hay không? Trong suốt 8 năm hoạt động của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, ông đã giao cho ban công việc quan trọng, từ đề xuất, xây dựng các thể chế, chủ trương, chính sách mới đến việc góp ý, phản biện những đề án, kế hoạch, dự thảo nghị định, quyết định sắp ban hành. Nhiều ý kiến của ban được ông đồng tình, chấp thuận, làm theo và áp dụng vào thực tiễn chỉ đạo, quản lý của Chính phủ.
Tôi nhớ có lần phát biểu tổng kết 2 ngày hội nghị với Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, ông nói với giọng buồn buồn, thừa nhận những ý kiến góp ý của chúng tôi về những yếu kém, thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước mà ông đang lãnh đạo. Thậm chí, ông còn phê phán nặng lời hơn.
Vài năm sau, ông xin từ chức trước khi hết nhiệm kỳ. Một trong những lý do ông nêu ra là đã không hoàn thành trách nhiệm trong việc chống tham nhũng của bộ máy nhà nước, mà ngay lúc ấy ông đã cảnh báo rằng "tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ". Thế mà, trong suốt thời kỳ ông làm Thủ tướng, đất nước ta đã có những bước tiến nhanh, vững chắc trong việc hình thành thể chế của nền kinh tế thị trường và hội nhập một cách tự tin với thế giới, với những thành tựu kinh tế - xã hội đáng khâm phục.
Trong thành tích ấy, có sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia tư vấn đã hết lòng, hết sức đem hết tinh hoa trí tuệ ủng hộ người lãnh đạo khiêm tốn, thân tình, giản dị, biết trân trọng hiền tài.
Chính dựa vào đề xuất cụ thể của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định bãi bỏ gần 300 giấy phép con. Cũng chính do có sự can gián của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng mà ông đã không cho thành lập ồ ạt các tập đoàn kinh tế theo kiểu "gom các củ khoai vào một cái giỏ lớn".
Bình luận (0)