Chiều 5-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời chất vấn, phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND quan tâm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Về vấn đề dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thời gian qua, TP đã tập trung xử lý vấn đề này. Với tinh thần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tối đa cho nhà đầu tư để các dự án sớm được triển khai, tránh lãng phí nguồn lực đất đai của TP; đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án có vi phạm quy định hoặc không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện.
Qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000 ha. Đến nay, sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai thực hiện, TP đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000 ha).
Trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước ngày 31-12-2023. Hà Nội xác định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Về nội dung phân cấp, ủy quyền, ông Trần Sỹ Thanh cho biết lúc mới về nhận chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì thấy "chưa ai muốn phân cấp, chẳng ai muốn ủy quyền". Tuy nhiên, cả hệ thống sau đó nhận thức ra rằng cần phải phân cấp, ủy quyền nên đã lập tổ công tác, rà soát ra gần 1.900 thủ tục hành chính các cấp ở 21 lĩnh vực quản lý nhà nước.
Hiện, TP đã phân cấp, ủy quyền 531 thủ tục hành chính và ban hành quy trình thực hiện. Đối với các thủ tục hành chính còn lại chưa hoặc không làm quy trình phân cấp vì gặp vướng mắc trong hướng dẫn của Trung ương, vướng mắc do thủ tục không được phân cấp, ủy quyền đến cấp huyện.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau khi được phân cấp, ủy quyền, các quận, huyện đã phê duyệt theo thẩm quyền rất nhiều dự án ước tính tổng giá trị đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Việc phân cấp, ủy quyền đã lập tức mang lại hiệu quả và chủ trương này là đúng.
"Khi phân cấp, ủy quyền không phải bắt tất cả quận, huyện "mặc áo" giống nhau mà còn căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp ủy quyền đồng bộ hơn. Sau 1 năm áp dụng, sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Khâu nào làm tốt thì tiếp tục làm tốt hơn, chỗ nào cần mở rộng thì mở rộng hơn, cái nào cần thu về thì thu về" - Chủ tịch Hà Nội nói.
Một vấn đề được cử tri và các đại biểu HĐND quan tâm là chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định bản thân nhận thức rõ, sâu sắc và cũng cảm thấy xấu hổ trước những tồn tại, hạn chế mà cử tri, nhân dân đã có kiến nghị và đại biểu HĐND TP đã tiến hành chất vấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng trong việc chuyển đổi số, thành phố phải đi đầu, làm gương nhưng việc này chưa hẳn "cứ có tiền là làm được", bởi điều kiện đủ ở đây là nhận thức của người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu và sự sẵn sàng của cả hệ thống. Chủ tịch các quận, huyện, lãnh đạo thành phố, giám đốc các sở phải nhận thức được việc chuyển đổi số là "sống còn" thì mới làm được, chứ không phải "cứ có tiền là làm được".
"Nếu các đồng chí còn nghĩ trong biên chế phải có cán bộ tin học mới chuyển đổi số được là sai. Còn suy nghĩ như vậy thì không bao giờ làm được. Chuyển đổi số là chính là chúng ta. Chúng ta không có người thì đi thuê. Còn cứ "vin" vào không có người chỉ là cái cớ, cách tiếp cận vấn đề như vậy là sai về phương pháp. Quận huyện, sở nào còn đề nghị chuyện đó thì các đồng chí xem lại. Đây là vấn đề cực kì hệ trọng" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Người đứng đầu chính quyền TP 9cho rằng với khối lượng công việc không nhỏ trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân, nhưng với quyết tâm chính trị của thành phố, Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Bình luận (0)