Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 ngày 6-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải và Ủy ban Dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Ảnh: Phạm Thắng
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của nhân dân, cử tri và của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã quan tâm thúc đẩy, giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của nhân dân và doanh nghiệp.
Trong đó có thể kể đến việc tháo gỡ khó khăn về quy định phòng cháy, chữa cháy; Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm 2023; Bộ Giao thông Vận tải ngày 3-6 cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp thứ 5 là kỳ họp đầu tiên thực hiện nội quy kỳ họp Quốc hội mới, trong đó có một số quy định về thời gian đặt câu hỏi, thời gian trả lời chất vấn cho từng câu hỏi, quyền tranh luận. "Theo kinh nghiệm, mức độ thành công của phiên chất vấn, trả lời chất vấn phụ thuộc vào cả người chất vấn và người trả lời chất vấn" - Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động chất vấn cũng là dịp để cử tri và nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục các vấn đề trong từng lĩnh vực quản lý.
Bốn bộ trưởng ngồi "ghế nóng"
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-6. Bốn "tư lệnh" đăng đàn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và các bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ tham gia trả lời các nội dung có liên quan.
"Tư lệnh" ngành đầu tiên trả lời chất vấn vào sáng 6-6 là ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Một số vấn đề cụ thể sẽ được đại biểu chất vấn bộ trưởng như giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay là vấn đề được các đại biểu rất quan tâm.
Bình luận (0)