Bộ Y tế vừa gửi dự thảo về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.
Trong dự thảo, Bộ Y tế cho biết trong nước, tuy tỉ lệ tử vong giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng vẫn ghi nhận tử vong và bệnh nhân nặng đang được điều trị. Trên cơ sở kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đề xuất phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó có 2 tình huống:
Thứ nhất, chủng virus tiếp tục tiến hóa nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Với tình huống này, các biện pháp phòng chống sẽ giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Thứ hai, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin hoặc miễn dịch khiến ca nặng hoặc tử vong tăng, dịch nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt năng lực của hệ thống y tế. Lúc này, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số ca mắc và tử vong.
Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Việc phòng chống dịch do đó phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B nên các biện pháp đáp ứng điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng chống dịch mạnh, quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 biến đổi.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam mà vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái bình thường mới.
Về lý do, Bộ Y tế cho biết theo các tài liệu về dịch tễ học, bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỉ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định. Một bệnh được coi là lưu hành khi có 4 nhóm tiêu chí: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Đối với tiêu chí thứ 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số ca mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng - giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2; SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới; đồng thời miễn dịch có được chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.
Dịch có thể bùng phát trở lại, do đó cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh. Bộ Y tế cũng khẳng định chưa công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Bình luận (0)