Liên quan vụ hơn 1.000 tấn cá nuôi của người dân chết sau một đêm mưa trên sông La Ngà (xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), trong thời gian cơ quan chức năng tỉnh này đang khảo sát, xét nghiệm để đưa ra kết luận cuối cùng, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc thâm nhập những vùng xả thải ở khu vực này. Thực tế cho thấy những nguồn xả thải không dễ dàng kiểm soát như các cơ quan chức năng công bố.
"Con suối chứng nhân"
Trong các ngày 24, 25 và 26-5, chúng tôi đã bỏ công sức cùng với dân địa phương thị sát con suối Tam Bung. Theo người dân, đây là nơi tập trung những nguồn thải bẩn ở cửa suối đổ ra sông La Ngà. Tại con suối này, chúng tôi đã chứng kiến mức độ kinh khủng tột cùng của sự ô nhiễm.
Từ làng bè La Ngà, chúng tôi lần tìm hàng giờ mới tiếp cận được đoạn giữa của con suối. Đây là nơi có cây cầu Tam Bung bắc qua song chỉ có thể quan sát được đoạn ngắn của con suối này, bởi suốt dọc con suối là bờ bụi rậm rạp, hoang vu bao kín. Chỉ vậy thôi nhưng đủ để thấy một đoạn suối Tam Bung hôi thối và đen đặc. Có những đoạn, nước nổi váng vàng và sủi bọt. Nhiều đoạn, dòng nước đặc quánh dường như không thể chảy được. Khi lại gần, chúng tôi phải bịt mũi vì không thể chịu được mùi hôi bốc lên.
Con suối này dài hơn 20 km, chảy qua các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Định Quán của tỉnh Đồng Nai. Đoạn qua huyện Định Quán, suối chảy qua 2 xã Phú Túc và La Ngà, hiện đã gần như bị bức tử. Chính trên dòng suối này là nơi gồng gánh những chất thải của hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện nói trên. Đoạn chảy qua huyện Định Quán "gánh" chất thải của 4 cơ sở, trong đó có các cơ sở tai tiếng như các công ty sản xuất chế biến xoài Hương Thuận, Phúc Lộc Thọ… Theo người dân, chất thải từ xoài là cực độc, một số cơ sở sản xuất xoài ở đây từng bị xử phạt vì không bảo đảm quy định về môi trường. Bên cạnh đó, đổ thải ra dòng suối này còn có KCN Định Quán với 7 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, tất cả hệ thống xả thải của các đơn vị nói trên đều được bao tỏa bởi đầm lầy và rừng rậm cùng tường bao thép gai ngăn cách.
Tương tự, đối với Nhà máy Đường La Ngà và nhà máy của Công ty Men hóa chất Mauri tai tiếng, hệ thống xả thải cũng bất khả xâm phạm với bên ngoài. Từ làng bè La Ngà đi ngược dòng, không thể tiếp cận các cống thải của những đơn vị này bởi mùa nước cạn nó được ngăn cách với bờ sông qua một đầm lầy rộng hàng trăm mét và hệ thống hàng rào bao quanh. Từ làng bè nhìn lên hoặc từ cầu La Ngà nhìn xuống phía hồ Trị An, các nhà máy này cách làng bè La Ngà khoảng vài trăm mét nhưng không thể tiếp cận từ bên ngoài.
"Nhà máy bao bọc kín với hàng rào kiên cố, hệ thống xả thải đặt quay lưng ra các sông suối, cống thải đặt ở vị trí khó tiếp cận, có khi thông qua lòng đất rất phức tạp. Như vậy, hệ thống quan trắc, camera của cơ quan chức năng huyện Định Quán hay Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ đặt như thế nào để ghi nhận, đo đạc được chính xác mà dám khẳng định là các cơ sở sản xuất tại khu vực được kiểm soát rất chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu thường xuyên được giám sát?" - bà Lê Thị Tình (ngụ ấp 4, xã La Ngà) bức xúc đặt câu hỏi.
Suối Tam Bung đổ ra sông La Ngà đang ô nhiễm trầm trọng và bà Lê Thị Tình (ảnh nhỏ) - người viết đơn tố cáo một nhà máy đang đầu độc sông La Ngà
Do... thiên tai?
Theo bà Tình, nếu các cơ quan chức năng cứ khẳng định như trên thì làng bè La Ngà sẽ khốn khổ dài dài, sông Đồng Nai rồi sẽ gánh chịu ô nhiễm ngày càng trầm trọng từ sông La Ngà đổ ra. Ngoài bức xúc chất chứa, bà Tình còn có cả lá đơn dài tố cáo Công ty Mauri thường xuyên gây họa cho dân. "Tôi lấy cả danh dự và tài sản gia đình "thách" cơ quan chức năng đào hệ thống cống ngầm của Công ty Mauri lên để làm rõ, nếu chất thải từ đơn vị này đủ tiêu chuẩn, tôi sẽ chịu trách nhiệm!" - đơn tố cáo của bà Tình viết.
Không chỉ bà Tình, gặp chúng tôi, hầu hết người dân đều nghi ngờ việc xả thải bẩn từ dòng suối Tam Bung phía trên nguồn nước cũng như Nhà máy Đường La Ngà, Nhà máy Men hóa chất Mauri - những địa chỉ liên tục bị người dân phản ứng dữ dội vì mấy sự cố thải khí độc trong thời gian qua.
Trong khi đó, đến chiều 27-5, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai bước đầu thông tin nguyên nhân sự cố cá bè chết hàng ngàn tấn trong mưa là do… trời! Đơn vị chức năng cho biết qua phân tích mẫu nước, mẫu cá, xác định nguyên nhân cá chết là do thiên tai. Lực lượng chức năng cho rằng mưa lớn kéo theo rác thải, các chất ô nhiễm từ trên bờ đổ xuống làm tăng tính độc dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt. Tỉnh Đồng Nai cho biết từ kết luận này sẽ có công bố chính thức về nguyên nhân cá chết.
Tình trạng ô nhiễm dẫn đến nước cực độc như vậy nhưng hệ thống giám sát, quan trắc mà địa phương cho rằng rất chặt chẽ, nghiêm ngặt và khoa học đã hoạt động ra sao mà không phát hiện được? Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết hệ thống này do các cơ quan cấp tỉnh quản lý. Trong khi đó, dù đã gọi điện thoại nhiều lần và đến tận cơ quan để chuyển tải câu hỏi này của người dân đến với ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nhưng ông Đức vẫn không trả lời!
Nghi ngờ dòng nước đen
Đêm 24-5, người dân xã La Ngà phát hiện một cơ sở sản xuất thuộc KCN Định Quán xả một luồng nước đen ra sông La Ngà (đoạn tại ngã ba Thần Đồng, xã La Ngà) khu vực gần nơi xảy ra vụ cá chết hàng loạt vừa qua. Người dân nhanh chóng lấy mẫu nước làm bằng chứng, đồng thời báo cơ quan chức năng. UBND huyện Định Quán sau đó đã cử cán bộ ghi nhận hiện trường và lấy mẫu nước xét nghiệm để làm rõ.
Bình luận (0)