xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa thể xem Covid-19 là bệnh thông thường?

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Bộ Y tế nói số tử vong do Covid-19 hiện nay vẫn còn cao, nên chưa thể coi Covid-19 là "bệnh đặc hữu", trong khi một số chuyên gia nói nên tiến tới xem Covid-19 như bệnh thông thường

Bộ Y tế cho biết đang theo dõi tình hình dịch Covid-19, cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi Covid-19 là bệnh thông thường khi thời điểm thích hợp.

Virus vẫn biến đổi liên tục

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng với chủng gây bệnh chiếm ưu thế là Omicron thay thế dần biến thể Delta. Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc Covid-19 chủng Omicron.

Tại TP HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Dù số bệnh nhân nặng và tử vong giảm nhưng số mắc liên tục lập đỉnh mới và có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong tháng 2 và những ngày qua liên tục ghi nhận trên 100.000 ca mắc/ngày, cao điểm là ngày 7-3 có hơn 147.000 ca nhiễm mới.

Trước dự báo tại Việt Nam ít nhất còn phải gánh một làn sóng dịch nữa trong vòng 6 tháng tới, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng chưa thể xem đây là bệnh đặc hữu, hay còn gọi là bệnh lưu hành để chuyển hướng tập trung điều trị như bệnh cúm thông thường.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế cho biết các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là "bệnh đặc hữu", hay còn gọi là "bệnh lưu hành" (endemic). Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới có diễn biến dịch bệnh phức tạp vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Do vậy, Bộ Y tế cho rằng Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2. Trên cơ sở Bộ Y tế có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nói: "Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi Covid-19 như bệnh lưu hành thì ở Việt Nam dù tỉ lệ tiêm chủng tốt nhưng vẫn chưa cao bằng họ. Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch Covid-19 lớn, như vậy tỉ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi đó ở Việt Nam tỉ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao; chưa kể số ca mắc mới theo dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới" - ông Phu giải thích.

Chưa thể xem Covid-19 là bệnh thông thường? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16 chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19Ảnh: HẢI YẾN

Chấp nhận lây lan để củng cố miễn dịch

Trái ngược với những quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng cần định vị cho rõ việc có nên xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không để có biện pháp phù hợp.

PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM, nêu quan điểm: Việt Nam nên tiến tới đối xử với Covid-19 như bệnh thông thường vì tỉ lệ tử vong cũng giống như bệnh lý khác. Tuy nhiên, phải lưu ý có biện pháp tránh sự bùng nổ của ca bệnh, đặc biệt là đối tượng nguy cơ cao. Phải bảo vệ bằng vắc-xin cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em 5-11 tuổi, kịp thời cung cấp thuốc kháng virus, đồng thời thực hiện nghiêm 5K. Đặc biệt, bảo đảm hệ thống điều trị y tế không tăng nguy cơ tử vong.

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược TP HCM, nêu quan điểm: Đã chung sống với dịch thì phải chấp nhận số ca mắc tăng lên chứ không thể nào ngăn chặn được. "Khi nào số ca mắc tăng lên đến đỉnh thì sẽ xuống. Có nghĩa là tất cả mọi người hầu như bị hết, cơ thể miễn nhiễm thì nó sẽ xuống. Còn nếu vẫn thực hiện cách ly, hiện tại có thể số ca mắc sẽ thấp nhưng sau 6 tháng kháng thể không còn, lúc này mắc bệnh tỉ lệ chuyển nặng chắc chắn sẽ cao. Đây cũng là lý do một số nước như Anh, Hàn Quốc họ chấp nhận lây lan để củng cố miễn dịch. Nếu cứ cách ly thì sẽ phải tiếp tục tiêm và tiêm hoài" - PGS Phúc dẫn chứng. Tuy nhiên, PGS Phúc cũng lưu ý cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao như người già, mắc bệnh nền, trẻ em chưa tiêm vắc-xin bằng cách bao phủ vắc-xin thật tốt để tránh tình trạng trở nặng nếu mắc bệnh.

Dự báo về tình hình đỉnh dịch sắp tới, PGS Phúc nhận định điều này còn tùy thuộc vào thái độ ứng xử với dịch bệnh. "Nếu lên đến đỉnh dịch thì nó sẽ đi xuống và giảm dần. Dù có 1-2 làn sóng dịch đi chăng nữa thì cũng không quá lo lắng. Bởi như đã nói tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã rất cao. Thời gian qua, thực tế cho thấy số ca mắc tăng nhưng tỉ lệ chuyển nặng và tử vong hầu như rất thấp, số ca nhập viện cũng không cao" - PGS Phúc nhấn mạnh. 

Tạo thuận lợi cho F0 điều trị tại nhà hưởng chế độ BHXH

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động (NLĐ) mắc Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị mắc Covid-19. Các giấy tờ này gồm: Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; giấy xác nhận bị mắc Covid-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó NLĐ đã nghỉ việc để điều trị Covid-19 tại nhà; quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo