Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà có nửa buổi để trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội liên quan nhóm vấn đề về môi trường.
Yên tâm với Formosa?
ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) nhắc lại câu hỏi của ông từ phiên chất vấn chiều 4-6 về sự cố môi trường do Formosa gây ra: "Hiện Formosa tiếp tục vận hành lò cao số 2. Bộ trưởng có tin tưởng sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc như thời gian qua?".
Ông Hà cho biết Bộ TN-MT đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý. Trong đó, yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường. Ngoài ra, đã có công nghệ giám sát kiểm soát môi trường trực tuyến với 3 nấc đề phòng sự cố. "Với cách làm bài bản từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến khâu giám sát kiểm tra thì không có ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm nếu chúng ta làm tốt. Với Formosa, tôi xin báo cáo như vậy để ĐB yên tâm" - ông Hà khẳng định.
Với nỗi lo về Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị ông Hà cho biết khi nào chấp nhận và triển khai thực hiện với kiến nghị đưa trung tâm này vào đề án giám sát đặc biệt. Ngoài ra, đề nghị xem xét phương án dùng vật chất nạo vét vũng quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 do tỉnh Bình Thuận lựa chọn.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhấn mạnh tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm Ảnh: Nguyễn Nam
Giải đáp, ông Hà cho hay đã trình Thủ tướng đề án kiểm soát đặc biệt, trong đó có lĩnh vực về nhiệt điện. "Khi Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi sẽ bàn với địa phương các kế hoạch cụ thể" - ông Hà thông tin và cho biết đồng tình với đề xuất dùng khối lượng nạo vét vũng quay tàu để lấn biển, chống xói lở bờ biển, đồng thời đề nghị tỉnh Bình Thuận phối hợp doanh nghiệp lựa chọn và phê duyệt các phương án thay nhấn chìm bằng chống sạt lở hoặc lấn biển tạo ra những vị trí có ý nghĩa sử dụng cho kinh tế. Nếu địa phương không tìm được khu vực và phương án lấn biển thì cần có giải pháp khác.
Một nội dung khác được nhắc đến trong phiên chất vấn là 2 dự án alumin. ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề cập: "Chưa nói đến hiệu quả kinh tế, 2 nhà máy này đã vài lần xảy ra sự cố kỹ thuật. Hệ thống xử lý môi trường sau 9 năm đã xuống cấp, nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và là thảm họa nếu để xảy ra vỡ hồ thải, hồ bùn đỏ".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận các sự cố xảy ra "ở khâu rất cục bộ", không phải là những sự cố có thể gây ra khủng hoảng môi trường lớn. "Chúng tôi đã chấn chỉnh và tiến hành giám sát thường xuyên, bảo đảm an toàn với 3 lớp hồ bảo vệ. Chúng ta vẫn phải thường xuyên giám sát. Các giải pháp môi trường hiện nay tôi cho là có thể yên tâm được" - Bộ trưởng trấn an và khẳng định các dự án đã có hiệu quả kinh tế.
Vấn đề trẻ bị xâm hại
Cũng trong sáng cùng ngày, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) hỏi bộ trưởng có giải pháp nào căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em vì tình trạng này đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Riêng 5 tháng đầu năm đã có 572 vụ xâm hại tình dục với 562 trẻ bị xâm hại.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng không nên để những chuyện đau lòng này tiếp tục xảy ra nên mong Bộ LĐ-TB-XH có thái độ chủ động, kiên quyết hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại mỗi năm; hơn 59% vụ xâm hại trẻ em mà thủ phạm là người thân, quen. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phản ánh, "còn số thực tế có thể nhiều hơn". Vị bộ trưởng này cũng khẳng định chúng ta có đầy đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng xâm hại trẻ em. Dù vậy, gần đây liên tiếp xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hóa trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cùng được mời giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ phát biểu của các ĐB là rất bức xúc về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Ông cho rằng không chỉ đặt nặng vấn đề xử lý mà phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em.
Phó Thủ tướng khẳng định hệ thống pháp luật chúng ta cũng rất đầy đủ; có tới 17 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực này. "Nhưng vấn đề của chúng ta là không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Ví dụ, luật yêu cầu là phải quy định trách nhiệm người được phân công chịu trách nhiệm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã song số địa phương thực hiện quy định này rất ít" - Phó Thủ tướng nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có 93% số vụ xâm hại tình dục trẻ em xử đúng người, đúng tội; hơn 6% xử chưa đúng người, đúng tội. Tỉ lệ không nhiều nhưng gây bức xúc xã hội. Đây là những vụ khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ vì nhiều lý do khác nhau, một phần do tâm lý xã hội của nạn nhân và gia đình.
Phải nâng chất lượng nguồn lực
Trước băn khoăn của nhiều ĐB cho rằng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên năng suất lao động thấp so với nhiều nước và khu vực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay còn thấp khiến năng suất lao động thấp, thể hiện rõ nhất ở việc chúng ta chưa theo kịp chuyển động về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
"Lực lượng lao động tại nông thôn hiện chiếm tới 38,6% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP. Đây là vấn đề phải bàn" - ông nói.
Cũng theo ông Dung, đột phá về giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, quan tâm đến quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới; chuyển mạnh sang tự chủ, đây là động lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp và phải chuyển sang hướng mới, kết nối DN và nhà trường. Năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH bắt đầu thí điểm các chủ trương mới này với 10 trường liên kết với 15 tập đoàn, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 15.000 lao động; hướng chuyển sang là đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu. Đây cũng là cái yếu của chúng ta vừa qua.
"Dù là sự mở đầu nhưng sự mở đầu rất quan trọng, tạo cho chúng ta một bước đi mới" - ông Dung nói và cho hay đang tập trung xử lý, tìm cách giải quyết việc làm cho 215.000 sinh viên tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp; đồng thời tập trung đào tạo, đào tạo lại cho những lao động đang làm việc có nguy cơ mất việc, đặc biệt ở 3 lĩnh vực: giày da, may mặc và công nghệ. Bên cạnh đó, rà soát, tổ chức lại 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng địa phương sắp xếp giảm 325 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trên nguyên tắc tích hợp, sáp nhập. "Những trường nào không tuyển sinh được trong 3 năm qua có thể xem xét giải thể" - ông Dung khẳng định.
Về ý kiến nêu lao động sau 35 tuổi ở khu vực FDI có tỉ lệ bị sa thải cao, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua kiểm tra thực tiễn một số tỉnh, thành: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM… chỉ có 11% lượng lao động ở độ tuổi này mất việc, bao gồm cả lao động xin nghỉ việc, nghỉ một lần.
"Tính ra chỉ có khoảng 1,9% số lao động ở độ tuổi ngoài 35 bị sa thải" - ông Dung nói.
Liên quan việc đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang
Trung ương phải làm trước
Bên hành lang Quốc hội ngày 5-6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Lê Thị Thủy cho biết cơ quan này đã vào làm việc với Thành ủy TP HCM liên quan đến việc ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - bị đề xuất kỷ luật. "Ông Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì trung ương phải làm trước. Quy trình xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào các vấn đề chung của công việc" - bà Thủy cho hay.
Trước đó, ngày 4-6, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Cang vì những sai phạm như quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước; không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP HCM và thiếu kiểm tra trong thực hiện các quyết định của mình... Ban Thường vụ Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
P.Nhung
Chưa phát hiện người nước ngoài mua đất ở đặc khu
ĐB Phùng Đức Tiến chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Bộ trưởng cho biết thực trạng giao dịch mua bán đất đai tại các khu vực này để ĐB yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt?".
Trả lời, bộ trưởng khẳng định theo quy định hiện hành thì người ngoài không có quyền mua đất, chỉ được phép mua chung cư ở các đô thị. Chính phủ đã chỉ đạo bộ cùng các cơ quan khác tiến hành kiểm tra, qua đó chưa phát hiện việc người nước ngoài mua đất ở các khu vực nêu trên. "Khi ĐB báo, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam" - người đứng đầu Bộ TN-MT khẳng định.
M.Chiến
Bình luận (0)