Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay bộ và các địa phương đã chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Lập 63 đoàn kiểm tra coi thi
"Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Rất nhiều địa phương đã có chỉ thị về công tác tổ chức thi với nội dung: các điểm thi đều phải có phòng thi dự phòng; bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện nhằm bảo mật đề thi, bài thi; phòng chống cháy nổ; an ninh, an toàn cho kỳ thi" - ông Phong thông tin.
Năm nay, Bộ GD-ĐT d kiến huy động hơn 7.000 giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra ở cả 2 khâu tổ chức thi và chấm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành lập 5 đoàn công tác do các thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn; làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp các tỉnh, thành và kiểm tra tại các sở GD-ĐT cũng như hội đồng thi ở các địa phương.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với việc coi thi, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD-ĐT; trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi đoàn có ít nhất thành viên 2 cơ sở giáo dục đại học tham gia; mỗi điểm thi có 1 tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi. Với khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT cũng thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD-ĐT, mỗi đoàn từ 4-5 người do bộ điều động từ các sở.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương được điều động từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Cùng với lực lượng thanh tra của các sở GD-ĐT, còn có sự tham gia của thanh tra Bộ GD-ĐT tại các hội đồng thi của tất cả địa phương.
Siết kỷ luật phòng thi
Một trong những quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là vật dụng cá nhân của thí sinh không để ngay bên ngoài phòng thi như mọi năm mà phải cách phòng thi tối thiểu 25 m.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay quy định nêu trên được bộ đưa ra dựa trên khuyến cáo của ngành công an liên quan đến việc phát hiện một số thiết bị thu phát từ khoảng cách tới 25 m. Do vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương bố trí chỗ để vật dụng không được mang vào phòng thi của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25 m. Việc này nhằm tránh trường hợp thí sinh để thiết bị trong túi xách cá nhân ở cửa phòng thi và truyền phát thông tin liên quan đề thi, bài thi ra bên ngoài.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, những thí sinh cố tình vi phạm thường sử dụng camera dạng cúc áo, kết nối ra bên ngoài bằng thiết bị trung gian là điện thoại để thực hiện hành vi vi phạm. Qua rà soát trên thị trường, các thiết bị phát sóng hoạt động cơ bản trong phạm vi 20-25 m. Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn. Vì thế, Bộ Công an khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của thí sinh được bố trí càng xa càng tốt.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong đề nghị các địa phương khuyến cáo thí sinh không mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Trong trường hợp thí sinh mang theo, phải báo cho cán bộ coi thi để báo cáo với trưởng điểm thi.
Trước phản hồi của nhiều tỉnh, thành cho rằng quy định vật dụng cá nhân của thí sinh phải được để cách xa 25 m sẽ khó thực hiện, Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong đề nghị các địa phương khắc phục khó khăn để thực hiện yêu cầu.
Bình luận (0)