xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chung tay chống dịch Covid-19: Cách ly 100% người vào Việt Nam

Bảo Trân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không để dịch bùng lên là nhiệm vụ rất quan trọng nên "không được thỏa mãn non với kết quả bước đầu"

Chiều 20-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà"

Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đánh giá, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ khả năng lây nhiễm ra cộng đồng và khả năng dịch bùng phát là còn rất lớn. Cho nên, không được chủ quan, thỏa mãn mà phải thấy khuyết điểm, tồn tại để khắc phục tốt hơn. Đặc biệt, số lượng người từ nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều, cần xử lý cương quyết hơn, đưa ra biện pháp mạnh. Thủ tướng cũng chia sẻ việc cách ly y tế được triển khai tích cực, trách nhiệm, rất vất vả, nhất là lực lượng quân đội.

"Hình ảnh quân đội rời doanh trại, rời chỗ ngủ để nhường cho đồng bào ta từ nước ngoài về và một số người nước ngoài là rất cảm động. Các lực lượng khác cũng rất vất vả như cán bộ, nhân viên y tế, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia" - Thủ tướng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh không để dịch bùng lên là nhiệm vụ rất quan trọng nên "không được thỏa mãn non với kết quả bước đầu".

Chung tay chống dịch Covid-19: Cách ly 100% người vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hơn 150 người từ Anh trở về được cách ly tập trung tại tỉnh Đồng Tháp Ảnh: NHA MÂN

Thủ tướng đề nghị vận động xã hội thay đổi thói quen, như giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, sử dụng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia; đám giỗ, đám cưới đông người cần hạn chế. Tiếp tục yêu cầu không tụ tập đông người. Khuyến cáo người dân ít ra nơi công cộng. Những hình thức giải trí như karaoke, massage… cần dừng lại, thậm chí yêu cầu đóng cửa.

Các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo có cơ chế giải quyết thuận lợi hơn, thông thoáng hơn. Các bộ chức năng phải giải quyết công việc như thời chiến, không phải trình qua trình lại, gây chậm trễ vấn đề đặt ra. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới thực hiện. Lãnh đạo phải bình tĩnh, cương quyết và kịp thời xử lý các tình huống đặt ra. Quân đội là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung.

"Hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà", ra tận nơi, đến từng đoàn viên, hội viên của mình trong công cuộc thống kê, nắm tình hình các ca nhiễm hoặc các đối tượng đi trên các phương tiện dễ lây nhiễm" - Thủ tướng yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh tổ dân phố, chính quyền cơ sở là "pháo đài" chống dịch thì cần làm tốt khâu thống kê, nắm tình hình trong khu vực của mình, không để tình trạng "mò kim đáy biển". Mục tiêu đưa ra là ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không được để lây lan rộng ra cộng đồng. Hạn chế tối đa người vào Việt Nam, kể cả hàng không, đường bộ, đường biển.

Nhấn mạnh yêu cầu dừng cấp visa vào Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán phải vận động, khuyến cáo bà con không về nước nếu không thực sự cần thiết. Trường hợp bà con Việt kiều, lưu học sinh có nguyện vọng thiết tha về nước thì tập hợp nhu cầu, có kế hoạch cụ thể. Sứ quán nắm tình hình để thông tin cho ngành giao thông vận tải tổ chức các chuyến bay chở bà con về theo đợt, có kiểm soát.

"Tất cả người vào Việt Nam phải cách ly quyết liệt 100% và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, trốn cách ly" - Thủ tướng chỉ đạo.

Không để găm hàng, thổi giá

Thủ tướng giao ngành y tế và các cơ quan chức năng chủ động, phát hiện sớm các ca dương tính để cách ly khỏi cộng đồng kịp thời hơn, chống lây lan.

Theo đó, ngành y tế đề xuất, giao các địa phương cùng lực lượng quân đội cũng như ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuẩn bị các cơ sở vật chất phục vụ cách ly. Việc xét nghiệm sớm, điều trị tích cực, trách nhiệm, hạn chế tử vong là yêu cầu đối với ngành y tế. Thủ tướng cũng lưu ý phải có phương án bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế tốt hơn nữa. Cơ bản dừng các đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế tối đa khách vào Việt Nam.

Thủ tướng đồng ý với đề xuất giao Bộ Quốc phòng mua 10 xe xét nghiệm lưu động phục vụ xét nghiệm tại cộng đồng. Thủ tướng nhấn mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động tích cực, trách nhiệm hơn nữa, nắm chắc tình hình, báo cáo xử lý kịp thời, phát hiện sớm mọi ca, cách ly nhanh và điều kiện tích cực. Bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm đầy đủ để phục vụ người dân, không để tình trạng găm hàng, thổi giá, đầu cơ tích trữ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33/2020 về việc tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Nhật Bản, Nga và Belarus từ 12 giờ ngày 21-3.

Không phân biệt đối xử

Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 20-3 về ý kiến cho rằng có sự phân biệt đối xử trong việc điều chỉnh các quy định nhập cảnh nhằm phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định các biện pháp vừa qua của Việt Nam đưa ra căn cứ theo diễn biến tình hình, phù hợp với các quy định của Điều lệ Y tế quốc tế, được triển khai trên nguyên tắc không phân biệt. Các biện pháp giám sát và cách ly y tế bắt buộc được áp dụng chung cho cả người Việt Nam và người nước ngoài, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn và sức khỏe cho công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài tại Việt Nam; phòng chống, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài tại Việt Nam cũng như người Việt Nam được bảo đảm sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết. "Những việc làm này của Chính phủ và nhân dân Việt Nam được công dân nước ngoài, chính quyền các nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao" - bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

D.Ngọc

Bắt buộc phải khai báo y tế

Ngày 20-3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã ký văn bản hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các hãng hàng không thông báo đến hành khách từ tất cả các nước trên thế giới nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Việc cách ly có hiệu lực từ 0 giờ ngày 21-3. Các trường hợp nhập cảnh Việt Nam vì mục đích ngoại giao, công vụ thực hiện cách ly tại cơ quan ngoại giao hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.

Các hãng hàng không phải chuẩn bị tờ khai y tế cho hành khách và yêu cầu khai báo y tế bắt buộc trước khi nhập cảnh Việt Nam; thực hiện kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách trước khi vào nhà ga; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn máy bay theo quy định.

Cục HKVN chỉ đạo các cảng vụ hàng không chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt việc giải tỏa các hành khách tại các khu vực cách ly trong nhà ga nhằm không để xảy ra tình trạng ùn ứ và chờ đợi quá lâu; cố gắng không để hành khách bị giữ quá 90 phút tại nhà ga.

Cục HKVN cần thông báo đến tất cả các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam: Do năng lực của các khu cách ly tập trung khu vực Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và CHKQT Tân Sơn Nhất rất hạn chế nên các chuyến bay quốc tế khi đến Việt Nam sẽ phải hạ cánh tại các CHKQT Vân Đồn, CHKQT Cần Thơ, CHK Phù Cát và các CHK khác theo yêu cầu của nhà chức trách hàng không Việt Nam.

Đại diện CHKQT Nội Bài cho biết theo lịch bay, trong ngày 20-3, sân bay Nội Bài đón khoảng 2.585 hành khách đến từ 25 chuyến bay quốc tế, trong đó có khoảng 1.183 khách trên 13 chuyến bay đến từ vùng dịch. Khách đến từ vùng dịch qua sân bay Nội Bài sẽ được phân luồng và chuyển đi cách ly tập trung, sau đó thực hiện kê khai y tế và lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện tại địa điểm cách ly. Hành khách các chuyến bay còn lại (không thuộc vùng dịch) thực hiện kê khai y tế và nhập cảnh theo quy định.

Trước đó, ngày 19-3, có 1.911 khách nhập cảnh, trong đó 734 người đã được chuyển đến các địa điểm cách ly. Ngày 18-3 có 2.364 khách nhập cảnh, trong đó 1.104 người được chuyển đến các địa điểm cách ly. Như vậy, ngày 20-3, khách quốc tế về Nội Bài cao hơn những ngày trước. Trong đó, một số lượng lớn là kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động, du học sinh... đang học tập, sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Khung giờ cao điểm như thường lệ tập trung vào 0 giờ đến 11 giờ, 13 giờ đến 15 giờ và 20 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

D.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo