Chiều 21-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Đưa nhà máy lớn hoạt động lại
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận giải pháp để các nhà máy, doanh nghiệp (DN) thuộc chuỗi cung ứng lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang được tiếp tục hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết một số hiệp hội, DN, địa phương đã gửi văn bản đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho DN sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đề nghị các tỉnh không áp dụng các biện pháp chống dịch quá "máy móc" ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh.
Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể Bắc Giang, Bắc Ninh tìm mọi cách đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản gỡ vướng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa theo tinh thần nhà máy sẽ được hoạt động trở lại nếu bảo đảm 4 tiêu chí: Thứ nhất, tất cả công nhân đều được quản lý chặt chẽ trong và sau giờ làm việc. Thứ hai, xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/lần hoặc xét nghiệm nhanh hằng ngày. Thứ ba, trong nhà máy phải bảo đảm giãn cách ở mức cần thiết. Thứ tư, phương tiện vận chuyển hàng hóa phải được khử khuẩn, tài xế được xét nghiệm hằng ngày.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công an đề nghị các DN nước ngoài có phương án quản lý chặt chuyên gia, cần ở ký túc xá hoặc khu nhà ở cho chuyên gia. Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mạnh dạn thử nghiệm cách ly tại nhà.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) ngày 21-5 sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 Ảnh: NGÔ NHUNG
Huy động nguồn lực mua vắc-xin
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sĩ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa có ổ dịch mới không rõ nguồn lây. Ba tỉnh đã qua 14 ngày không phát hiện ca mắc mới. Nước ta vẫn khống chế được tình hình dịch bệnh, bảo đảm điều kiện an toàn để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Về quỹ mua vắc-xin, nguyên tắc chung là nhà nước bảo đảm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ khuyến khích và ủng hộ chủ trương khuyến khích các DN, người dân cùng chung sức với Chính phủ để bảo đảm vấn đề này. Việc sử dụng quỹ bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, Bắc Giang phải quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, không để lan ra các tỉnh, TP. Đồng thời, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các DN đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để tại các ổ dịch ở Điện Biên. Các địa phương khác có công nhân trở về từ những khu công nghiệp có dịch phải sẵn sàng, nếu phát hiện phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục đổi mới xét nghiệm, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở tất cả các tỉnh, TP.
Phân bổ thêm 1,7 triệu liều vắc-xin
Ngày 21-5, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ vắc-xin Covid-19 đợt 3 cho 63 tỉnh, thành và ngành y tế, công an, quân đội với gần 1,7 triệu liều của AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ.
Bộ Y tế phân bổ 688.000 liều vắc-xin cho miền Bắc, 203.000 liều cho miền Trung, 81.000 liều cho Tây Nguyên, 460.000 liều cho miền Nam. Ngoài ra, lực lượng công an được phân bổ 50.000 liều, lực lượng quân đội 89.000 liều.
Tổ chức bầu cử an toàn trong bệnh viện bị cách ly
Ngày 21-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội còn 4 chùm ca bệnh. Vì thế, các địa phương, đơn vị cần tập trung toàn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra vào ngày 23-5. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch kết hợp công tác chuẩn bị cho bầu cử; đôn đốc, xây dựng phương án cho từng điểm bỏ phiếu.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện (BV) K trung ương, cho biết công tác chuẩn bị bầu cử cho hơn 2.200 nhân viên y tế, bệnh nhân đang cách ly tại BV đã được hoàn tất. Tất cả bệnh nhân, thân nhân người bệnh, cán bộ y tế, người lao động đều được đi bầu cử. Khi đi bầu cử, mọi người mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn và đứng giãn cách 3 m.
Việc bỏ phiếu tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, số lượng cử tri bỏ phiếu bầu cử tại BV là gần 700 người.
Theo Bộ Y tế, tại các địa phương đang phát hiện ca mắc Covid-19, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tập trung, thực hiện khử khuẩn bề mặt hòm phiếu trước và sau khi kết thúc việc bỏ phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, hòm phiếu phải được để ở vị trí riêng và đánh dấu hoặc dán nhãn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm theo quy định.
H.Thanh - N.Dung
Bình luận (0)