Ngày 16-8, Bệnh viện (BV) Phổi Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi Covid-19 đối với bệnh nhân (BN) 582 sau khi có 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 4, 9, 12 và 14-8.
Kinh nghiệm từ BN 91
BN 582 (SN 1965; ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có bệnh nền gồm tăng huyết áp và suy tim, vào BV Đà Nẵng cấp cứu ngày 31-7 với diễn tiến nhanh và trở nặng. Kể từ lúc đó, BN này được bác sĩ (BS) Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, cùng ê-kíp của ông chịu trách nhiệm điều trị.
Theo BS Linh, ngày đầu nhập viện, qua X-quang phổi cho thấy BN 582 bị tổn thương phổi, 2 ngày sau đó thì tổn thương phổi bên phải nặng nề. Đặc biệt, BN này còn có bệnh lý nền của suy giảm miễn dịch. Ê-kíp điều trị của BV Chợ Rẫy và BV Đà Nẵng đã quyết định triển khai ECMO và lọc máu. "Chỉ số monitor thể hiện tình trạng tổn thương tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp và suy tim. Ngoài ECMO, BN 582 còn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở" - BS Linh cho biết.
Bệnh nhân 582 tặng hoa và gửi thư cảm ơn đến y - bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng Ảnh: VIỆT ANH
Sau 4 ngày điều trị tích cực, các chỉ số tim phổi của BN 582 được cải thiện rõ rệt. BN được chuyển đến khu hồi sức của BV Phổi Đà Nẵng vừa mới được thiết lập xong ngày 5-8 để tiếp tục điều trị. Tại đây, BN 582 được cai ECMO. Cũng từ đó, các BS đã thay phiên túc trực bên BN này để vừa chăm sóc toàn diện vừa tập vật lý trị liệu, theo dõi các thông số. Sau khi cai ECMO, BN 582 còn phụ thuộc vào máy thở và có các đợt nhiễm trùng nên tiếp tục được lọc máu và thay huyết tương.
Theo BS Linh, có thể nói giữa BN 582 và BN 91 - phi công người Anh - đều có điểm tương đồng. BN 91 có bệnh lý nền gồm béo phì và tăng huyết áp, tổn thương phổi rất nguy kịch và thời gian điều trị kéo dài do mắc phải những nhiễm trùng tại chỗ trong phổi. BN 91 có 56 ngày thực hiện ECMO và 65 ngày phải thở máy. Trong khi đó, BN 582 nhận được sự quyết liệt trong điều trị. Ê-kíp điều trị đã thực hiện ECMO sớm do có kinh nghiệm từ BN 91.
"Chúng tôi kết hợp điều trị với nhiều chuyên khoa, hội chẩn trực tuyến từ các giáo sư đầu ngành, Bộ Y tế, trưởng ban điều trị, nhờ đó có hướng điều trị sát sao, BN 582 tiến triển tốt hơn so với BN 91. Đây là nỗ lực từ kinh nghiệm của anh em để điều trị quyết liệt cho BN này" - BS Linh bày tỏ.
Còn nước còn tát
Theo BS Trần Thanh Linh, diễn tiến đặc thù của BN mắc Covid-19 có nền bệnh thường rất nhanh. Nếu việc điều trị không quyết định đúng thời điểm và thiếu trang thiết bị thì bệnh sẽ diễn biến nặng và tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, trên các nền bệnh lý cũ rất bất thường bởi đà suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng, tổn thương gan, thận, phải có chiến lược điều trị sớm như lọc máu, thay huyết tương nếu bị suy gan...
Đối với những BN có bệnh lý nặng, ê-kíp trực phải theo dõi xuyên suốt hằng ngày từ BS đến điều dưỡng để chăm sóc toàn diện từ vệ sinh đến vật lý trị liệu. "Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng vì một mục tiêu chung là cứu sống người bệnh, để họ sớm xuất viện" - BS Linh thổ lộ.
Theo BS Linh, hiện nay, TP Đà Nẵng còn khá nhiều BN ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, có 3-4 BN trên nền bệnh lý suy thận nặng. Ở BV Phổi Đà Nẵng cũng còn 3-4 BN tiên lượng nặng, trong đó 2 người phải chạy ECMO... "Chúng tôi vẫn quyết tâm với mục tiêu còn nước còn tát, tập trung tối đa nguồn lực cứu được nhiều BN nặng, nguy kịch càng tốt" - BS Linh khẳng định.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, bày tỏ sự xúc động trong buổi công bố khỏi bệnh cho BN 582. Theo bà, đây là một kỳ tích, đánh dấu sự nỗ lực của tất cả y - bác sĩ. Trong đợt dịch thứ 2, phần lớn các BN ở Đà Nẵng đều có bệnh nền và tiên lượng tử vong rất cao. Với mục tiêu chữa khỏi cho các BN, Đà Nẵng đã cùng với các chuyên gia của Bộ Y tế, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai với "sự phối hợp gần như là tổng lực" để đạt được mục tiêu cứu sống họ.
"Tôi luôn nhớ câu mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với anh em: "Mỗi lần thông tin BN tử vong như là một lần xát muối vào tim". Hôm nay chúng ta công bố một ca bệnh trở về từ cõi chết là một thành công rất lớn" - bà Yến trải lòng.
Hành trang là quyết tâm chống dịch
BS Trần Thanh Linh cho hay ê-kíp của ông gồm 3 người đặt chân đến TP Đà Nẵng vào ngày 24-7, mỗi người chỉ một bộ áo quần. Lúc đó, ông và đồng nghiệp nghĩ chỉ thực hiện ECMO cho ca bệnh nặng 416. Sau này, nhiều ê-kíp khác của BV Chợ Rẫy cũng đã lên đường đến TP Đà Nẵng. "Không chỉ riêng chúng tôi mà nhiều anh em của BV Chợ Rẫy đều mong muốn chung tay với Đà Nẵng khống chế dịch bệnh, cứu được càng nhiều BN càng tốt. Hành trang của chúng tôi ngày ấy mang đi đến bây giờ vẫn không thay đổi, đó là quyết tâm dập dịch càng sớm càng tốt. Khi nào hết dịch thì anh em tôi mới trở về TP HCM" - BS Linh tâm sự.
Bình luận (0)