Trước thông tin nước Nga đã có vắc-xin ngừa Covid-19, các chuyên gia cho biết sẽ tìm "mối" để có thể tiếp cận và nhập khẩu vắc-xin về Việt Nam nhanh nhất.
Sắp thử nghiệm vắc-xin trên người tình nguyện
Trong khi đó, dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 của Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thuộc Bộ Y tế đã có kết quả khả quan khi vắc-xin thử nghiệm đạt miễn dịch khá cao.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết các lô vắc-xin do VABIOTECH sản xuất thử nghiệm trên động vật cho thấy sau khi tiêm mũi nhắc lại, kháng thể trong máu có tăng lên. Theo ông Đạt, với tiến độ như hiện nay thì đầu năm 2021, VABIOTECH sẽ thử nghiệm vắc-xin trên người tình nguyện, nhóm nhỏ. Khi hoàn thiện, quy mô sản xuất có thể đạt 100 triệu liều/năm.
Còn theo Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC), cuối tháng 7 vừa qua, IVAC đã sản xuất thành công 3 lô vắc-xin Covid-19, kết quả thử nghiệm ban đầu đạt chất lượng. Dự kiến từ cuối tháng 8, trong tháng 9, đơn vị này sẽ sản xuất 3 lô vắc-xin cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để trong tháng 10 đến tháng 12-2020 sẽ tiêm trên người tình nguyện.
Nghiên cứu, điều chế vắc-xin Covid-19 tại VABIOTECH Ảnh: HẢI ANH
Ở giai đoạn 2 và 3, IVAC ước tính sản xuất vắc-xin Covid-19 với quy mô 30 triệu liều/năm. Nếu các thử nghiệm khả quan, IVAC thiết lập nhà máy với quy mô 70-100 triệu liều/năm, kinh phí ước cần 300-500 tỉ đồng.
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, trong nước hiện có 4 nhà sản xuất, nghiên cứu phát triển vắc-xin, gồm: VABIOTECH, IVAC, Trung tâm Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Công ty Nanogen. Mỗi nhà sản xuất đi theo một hướng khác nhau, bước đầu đều đã cho kết quả khả quan.
Theo Bộ Y tế, cả nước có 3 trung tâm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 tại 3 miền. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ có vắc- xin Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Tìm kiếm nguồn vắc-xin Covid-19 thương mại
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, với kết quả hiện tại, Việt Nam đang đi đúng hướng trong tiến trình sản xuất vắc-xin Covid-19. "Công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam là công nghệ vector virus. Vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga vừa công bố thành công cũng là công nghệ vector virus" - ông Đạt chia sẻ và cho biết công nghệ này có thể nâng được công suất sản xuất vắc-xin lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. "Vắc-xin cho đại dịch luôn đòi hỏi công suất cao trong thời gian rất ngắn. Chúng ta đã lựa chọn được chủng để làm vắc-xin, vùng gien, cấu trúc vùng gien đã chọn cho sản xuất vắc-xin là lựa chọn đúng. Việc này mang tính quyết định cho hiệu quả của vắc-xin Covid-19" - ông Đạt nói.
Đánh giá về nguy cơ biến chủng của virus trước khi vắc-xin ra đời khiến vắc-xin có giảm khả năng bảo vệ, ông Đạt cho biết để đem lại hiệu quả bảo vệ, ứng phó với sự đa dạng của SARS-CoV-2 có các biến chủng, vắc-xin Covid-19 đã chọn những vùng gien của virus biến đổi ít nhất. Điều đó giúp cho vắc-xin khi lưu hành có tính ổn định, bảo đảm hiệu quả phòng bệnh. Vắc-xin đó cũng có thể có miễn dịch chéo với các dạng đột biến khác nhau của virus.
Cũng theo ông Đỗ Tuấn Đạt, VABIOTECH cũng là đơn vị nhập khẩu vắc-xin. "Chúng tôi cũng đã có các "mối" tìm nguồn nhập khẩu vắc-xin Covid-19, có tiếp cận với các đơn vị thương mại trên thế giới để làm sao có nhanh nhất vắc-xin đó ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều chính phủ cũng đã liên hệ mua vắc-xin với giá cao, số lượng lớn, đặt hàng ngay từ khi vắc-xin chưa được thương mại hóa, đó cũng là áp lực với các nước mà tài chính không mạnh, đơn hàng nhỏ hơn" - ông Đạt nói.
Tín hiệu mừng ở tâm dịch Đà Nẵng
Ngày 13-8, Việt Nam ghi nhận thêm 25 ca mắc Covid-19, trong đó 3 trường hợp được cách ly sau khi nhập cảnh, số còn lại ở TP Đà Nẵng và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị. Hiện cả nước có 905 ca mắc Covid-19, trong đó 327 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Chiều tối cùng ngày, Hải Dương có thêm 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 1 nam thanh niên 17 tuổi, 2 phụ nữ 59 và 72 tuổi. Trong đó, người phụ nữ 72 tuổi là thông gia với ca bệnh 867 phát hiện trước đó ở Hải Dương.
Trong ngày 13-8, có thêm 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong đó có 10 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (TP Đà Nẵng) gồm bệnh nhân 366, 469, 495, 555, 581, 638, 665, 682, 685 và 730. Có 2 bệnh nhân khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam là bệnh nhân 716 và 719.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cũng có nhiều ca đã âm tính lần 1, lần 2 và đang tiếp tục điều trị để đủ các điều kiện xuất viện trong những ngày tiếp theo. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định việc cùng lúc xuất viện nhiều bệnh nhân là tín hiệu đáng mừng ở tâm dịch Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, cả nước cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các bệnh nhân đều lớn tuổi, có nhiều bệnh nền.
Trong ngày, Bộ Y tế tiếp tục cử các chuyên gia y tế hàng đầu tăng cường cho các bệnh viện ở Đà Nẵng để tích cực điều trị cho các ca bệnh nặng cũng như bổ sung máy thở, các thiết bị điều trị và hội chẩn từ xa cho Quảng Nam. "Bộ Y tế cùng với các chuyên gia đầu ngành đang tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ, thay đổi phác đồ, tìm mọi cách mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân nặng mắc Covid-19" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
N.Dung - B.Vân - Tr.Thường
Bình luận (0)