Chiều 15-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Không để ca bệnh xâm nhập
Theo Bộ Y tế, biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh nay đã lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, đây là thời điểm gần Tết nguyên đán và sắp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 nên từ nhiều tháng qua, BCĐ quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã đặt nhiệm vụ giữ an toàn chống dịch nói chung, đặc biệt là thời kỳ cao điểm hiện nay.
BCĐ nhận định dù vẫn có lúc, có nơi lơi lỏng nhưng đã được xử lý ngay lập tức và được rút kinh nghiệm để siết chặt các biện pháp chống dịch.
Ngày 15-1 là ngày thứ 45 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy vậy, hằng ngày vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nhập cảnh và được cách ly ngay. Với các chuyến bay từ nước ngoài về, từ trước đến nay, chúng ta mới bàn để xây dựng lộ trình nối lại các chuyến bay thương mại. Trong thực tế, Việt Nam chưa tổ chức các chuyến bay thương mại đón khách như bình thường, mới chỉ có những chuyến bay giải cứu, đưa người Việt Nam và kết hợp chuyên gia nước ngoài vào. Tất cả các trường hợp này đều phải cách ly và hầu như không tạo ra những ổ dịch lớn trong cộng đồng.
BCĐ thống nhất cho rằng trước sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủ trương chung là hạn chế tối đa. Với các chuyến bay giải cứu, công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly nghiêm ngặt. Tinh thần là cảnh giác cao nhất khi chưa có những nghiên cứu và kết luận cụ thể về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Một số chuyến bay từ các vùng đã xuất hiện biến thể mới sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung.
Những trường hợp trước đây có quy định có thể cách ly dưới 14 ngày thì hiện nay phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Các lực lượng y tế và quân đội sẽ xem xét cụ thể những trường hợp người ở nước ngoài về và có thể quyết định cách ly trên 14 ngày. Thực tế vừa qua đã có những trường hợp sau 14 ngày cách ly vẫn xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện nay, hệ thống quản lý thông tin về dịch Covid-19 và thông tin về những người nhập cảnh bắt đầu thực hiện quy trình giám sát y tế khép kín. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và hàng không để về nước. Tất cả phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu. Từ đó, lực lượng phòng chống dịch trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón và đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung; sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
"Đây là vòng giám sát y tế khép kín. Tôi đề nghị phải tập huấn kỹ, không để lọt bất kỳ một trường hợp nhiễm bệnh nào như từng xảy ra. Không để xảy ra tình trạng sau này về đến sân bay mới phát hiện chưa khai báo y tế, gây ùn tắc tại sân bay" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly. Trường hợp người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho chính quyền. "Đây là trách nhiệm phòng chống dịch cho toàn cộng đồng. Nếu cá nhân nào lơ là thì vô hình trung sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra nơi tập trung hành khách nhập cảnh từ nước ngoài về Ảnh: TUẤN DŨNG
Vắc-xin nhiều triển vọng
Với mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, bước đầu các tình nguyện viên đã có kháng thể chống lại virus, có người còn sản sinh kháng thể miễn dịch gấp 20 lần. Dù tính sinh miễn dịch đáp ứng yêu cầu phải được đánh giá qua mũi tiêm thứ 2 nhưng kết quả này đã mang lại niềm hy vọng cho người dân Việt Nam.
Theo PGS-TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự - Học viện Quân y, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, dự kiến nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả ban đầu của nghiên cứu lâm sàng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 1 về tính an toàn, liều tiêm.
"Chúng tôi đánh giá vắc-xin Nano Covax rất an toàn, đáng chú ý là tạo miễn dịch rất tốt. Sau khi tiêm tiếp mũi thứ 2, lượng kháng thể của tình nguyện viên sẽ tăng cao gấp nhiều lần" - PGS Sơn thông tin thêm. Ông cho biết kháng thể sau mũi tiêm thứ 2 sẽ duy trì tính bền vững kéo dài. Do đó, những người tiêm mũi thứ 2 sẽ được theo dõi trong 6 tháng để đánh giá khả năng bảo vệ của vắc-xin kéo dài trong bao lâu.
Đến thời điểm này, nghiên cứu đã đi được hơn nửa chặng đường giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đang xử lý dữ liệu, gửi hồ sơ đạo đức lên Bộ Y tế nhằm xác định liều phù hợp cho giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu ngay sau Tết nguyên đán và duy trì 2 mức liều. Trong giai đoạn này sẽ thử nghiệm với 400-600 người (12-75 tuổi) trên nhiều địa điểm của cả nước. Mục đích là đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều Nano Covax, từ đó xác định liều dùng tối ưu.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, cho rằng trong trường hợp Việt Nam có vắc-xin ngừa Covid-19 tiêm đại trà cho người dân thì vẫn cần bảo đảm 60%-70 % miễn dịch cộng đồng mới có tác dụng phòng bệnh. Đạt được điều này không dễ dàng, do đó vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch.
Hợp tác quốc tế để ứng phó
Ngày 15-1, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức tọa đàm "Hợp tác để ứng phó với thách thức y tế". Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về nỗ lực, thành tựu, chính sách hợp tác của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19; vai trò và sự tham gia của Tổ chức Y tế thế giới; Quỹ Toàn cầu trong phòng chống dịch bệnh.
Các đại biểu nhất trí trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang rất quyết liệt với nhiều thách thức khó lường, chuyện vắc-xin đang mở ra những hy vọng mới nhưng vẫn cần có sự phối hợp nỗ lực trên phạm vi toàn cầu.
Tọa đàm cũng mở ra một số ý tưởng, sáng kiến thiết thực trong việc hợp tác ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu, trước mắt là với đại dịch Covid-19.
D.Ngọc
Bình luận (0)