Bộ Y tế ngày 27-7 cho biết Việt Nam đã ghi nhận thêm 11 ca mắc Covid-19 có liên quan Bệnh viện Đà Nẵng. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các khoa: Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận - Nội tiết và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.
Có thể lan ra các địa phương khác
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 27-7, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết trước đây, Việt Nam đã phát hiện 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Trong khi đó, kết quả phân tích nguồn gien của virus từ 4 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam vừa được phát hiện cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn các chủng trước. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước. "Chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi là có cùng nguồn lây. Trước mắt, nhận định có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng" - GS Nguyễn Thanh Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Nhận định về khả năng có thêm ca Covid-19, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết thời gian tới vẫn có thể có một số ca Covid-19 mới ngoài cộng đồng nhưng với kinh nghiệm chống dịch Covid-19 thành công trong thời gian qua và chiến lược phòng chống dịch kiên định "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị", Việt Nam sẽ ngăn chặn được nguy cơ bùng phát các ổ dịch lớn.
Phun thuốc khử khuẩn tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi vào ngày 27-7. Ảnh: TỬ TRỰC
Xuất hiện ca bệnh cộng đồng là bình thường
Chiều cùng ngày, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế về công tác phòng chống dịch bệnh. Các chuyên gia y tế đánh giá nhiều khả năng nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào đầu tháng 7. Dự kiến trong những ngày tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh không chỉ ở Đà Nẵng mà cả một số địa phương khác có người liên quan đến Đà Nẵng. Ngành y tế Việt Nam đã sẵn sàng triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao nhất tại Đà Nẵng; chỉ đạo hệ thống y tế ở các tỉnh tăng cường hệ thống giám sát, đặc biệt là những người đi từ vùng có dịch của Đà Nẵng và từ Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam "là điều bình thường". Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát. "Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi" - ông Kidong Park nói.
Đại diện WHO, các tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời của Việt Nam.
Rà soát lại năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2
Bộ Y tế đã gửi công văn khẩn về việc thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đến sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Theo Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc đã có 118 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm, trong đó có 66 phòng đủ khả năng xét nghiệm khẳng định. Sau khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP triển khai rà soát năng lực xét nghiệm tại địa phương, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực xét nghiệm tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để kịp thời xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tập huấn, tập huấn lại kỹ thuật xét nghiệm, hỗ trợ, chia sẻ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để địa phương thực hiện xét nghiệm kịp thời.
Bình luận (0)