Hàng trăm hécta trồng chuối già Nam Mỹ đang xanh tốt tại Nông trường 24/3
"Lứa chuối đầu tiên được thu hoạch và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore vào tháng 9-2020 theo tiêu chuẩn GlobalGAP nghiêm ngặt trong nông nghiệp, đem lại nguồn thu khấm khá cho nông trường. Lứa chuối thứ 2 đang chuẩn bị trổ buồng, bất ngờ gặp trận bão số 9 vào cuối năm 2020, khiến hơn 30 ha chuối bị "bẻ gãy" gần như hoàn toàn, phải gầy dựng lại từ đầu… Cũng may, nhờ nỗ lực của anh em cán bộ nông trường, số chuối mới trồng cũng đem lại thành quả" - ông Lê Dưỡng, Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi, cho biết.
Ông Lê Dưỡng kể câu chuyện bén duyên với giống chuối Nam Mỹ xuất phát từ trăn trở rất nhiều năm của cán bộ nông trường cũ phải tìm cây gì, giống gì thích hợp với vùng bán sơn địa, quanh năm nắng gắt này. Ngày xưa, Nông trường 24/3 vốn là cánh đồng sản xuất rộng hàng ngàn hécta của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, do vùng này thiếu nước, phần lớn diện tích đất nông trường chỉ sản xuất được một mùa, rồi bỏ khô. Đến năm 2017, thực hiện cổ phần hóa, Nông trường 24/3 được chuyển sang hình thức kinh doanh mới với tên gọi Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi.
Ngay sau chuyển đổi, Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để kéo điện, khảo sát và xây dựng hệ thống bơm tưới nước, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất trên cánh đồng nông trường cũ. Đồng thời chọn cây, con giống phù hợp, quyết tâm biến vùng đất khô cằn bao năm chỉ trồng các loại cây keo, khoai mì thành một vùng bạt ngàn cây tạo ra hàng hóa xuất khẩu, trên diện tích hơn 200 ha, gồm: chuối Nam Mỹ, mít ruột vàng, ruột đỏ Thái Lan… Hiện nay, chuối Nam Mỹ đã cho thu hoạch được 2 đợt, còn các cây khác cũng phát triển rất tốt.
Đóng gói xuất khẩu chuối già Nam Mỹ
"Lúc đầu, khi chọn giống chuối Nam Mỹ, chúng tôi cũng rất băn khoăn vì đây là vùng đất khắc nghiệt. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, tham quan, học tập mô hình trồng chuối Nam Mỹ ở nhiều nơi, chúng tôi đã vận dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp từ phân bón, nước tưới đến chăm sóc. Kết quả là từ những lứa đầu tiên, cây chuối Nam Mỹ đã cho năng suất cao, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu" - ông Lê Dưỡng phấn khởi.
Anh Phan Văn Thành, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi, cho biết để trồng được giống chuối Nam Mỹ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Singapore đòi hỏi phải có kỹ thuật cao. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại cũng rất cao. Ước tính, mỗi ha chuối Nam Mỹ xuất khẩu có doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần những cây trồng khác trên cùng diện tích" - anh Thành đánh giá.
Cũng theo anh Thành, hiện nhiều đối tác nước ngoài đã đến nông trường khảo sát, lấy mẫu chuối về phân tích, kiểm tra đánh giá chất lượng rồi mới ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Công ty đang có rất nhiều đơn hàng nhưng số lượng chuối sản xuất có hạn nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Lãnh đạo công ty cũng đang liên hệ nhiều địa phương trong tỉnh, ký hợp đồng với người dân, mở rộng diện tích canh tác.
Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, nhìn nhận xã Phổ Nhơn ngày xưa vốn là vùng đất cát, nghèo dinh dưỡng, nên trước đây người dân chủ yếu trồng cây mía. Nhờ tận dụng được nguồn nước tưới từ ao hồ, áp dụng khoa học kỹ thuật, các kỹ sư nông trường đã trồng được chuối Nam Mỹ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hy vọng những hiệu quả bước đầu từ việc xuất khẩu chuối Nam Mỹ mở ra cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà một hướng đi mới, cho thấy hàng nông sản từ địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng thị trường xuất khẩu yêu cầu gắt gao nhất, giúp nông dân có cơ hội làm giàu.
Bình luận (0)