Sau một tuần làm việc, tiếp tục làm sáng thứ bảy, nghỉ một chút rồi trực 24/24 giờ vào ngày chủ nhật, để rồi sáng thứ hai chưa kịp nghỉ ngơi đã liên tiếp đi hội chẩn… - đó là lịch làm việc của bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Trắng đêm "săn" SARS-CoV-2
Gần 30 giờ liền quay cuồng với ca trực và những ca hội chẩn, đáng lý BS Phong sẽ có 1 ngày nghỉ nhưng mới sáng sớm đã bị cuốn theo 3 cuộc hội chẩn. Sau cuộc phỏng vấn ngắn với chúng tôi, BS Phong vội lên xe để đi đến nơi hội chẩn thứ tư trong buổi sáng.
Gần như không có ngày nghỉ suốt mùa dịch, chị Phạm Thị Tuyến, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm D và nữ điều dưỡng trẻ Trần Thị Bích Trâm đều lo lắng làm sao bảo đảm dinh dưỡng và tinh thần cho bệnh nhân số 91. Viên phi công người Anh này không ăn được các món Việt Nam, lại không có người thân. Có lẽ do tâm lý, bệnh nhân này cũng ít giao tiếp với các nhân viên y tế, thậm chí không ăn mà cũng chưa nói rõ mình cần ăn gì để hợp khẩu vị.
"Nhiều người nghi nhiễm thôi đã rất lo lắng, người biết mình dương tính thì càng sợ nên chúng tôi hết sức chú ý vấn đề tâm lý. Ví dụ như ca chú T.K.H., Việt kiều Mỹ, đã được xuất viện cách đây vài tuần, lúc đầu chú sợ lắm. Chúng tôi phải tìm hiểu xem chú muốn ăn gì, trấn an chú… Điều đó rất quan trọng để người bệnh có thể mau khỏi bệnh, hồi phục tốt" - chị Bích Trâm chia sẻ.
Đến ngày 6-4, 4 bệnh nhân đang nằm trong khoa có người đã khỏe lên, ra viện như cô gái số 32 nhưng cũng có người lại chuyển biến nặng như bệnh nhân số 91... Đó là một cuộc chiến dai dẳng, mọi diễn biến thay đổi theo từng ngày, từng giờ mà các BS, điều dưỡng luôn phải đối mặt.
Gần 12 giờ, tại Khoa Xét nghiệm của BV, các nhân viên y tế đang xét nghiệm bệnh phẩm từ người nhiễm/nghi nhiễm bệnh Covid-19. Giờ làm việc của khoa bây giờ là 24/24. Họ làm việc luôn tay trong một căn phòng kính kín hoàn toàn, mặc đồ bảo hộ 100% thời gian; tức trong vài giờ đó họ không thể ăn, uống nước hay đi vệ sinh!
Công việc tất bật tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM - nơi liên tục sáng đèn 24/24 giờ nhiều ngày nay
Trong căn phòng tưởng như yên bình đó, bất cứ khi nào cũng có thể tồn tại những con virus corona đáng sợ SARS-CoV-2, từ những mẫu bệnh phẩm mà để di chuyển đến đây, phải niêm phong tới 3 lớp.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV, Khoa Xét nghiệm đang là một trong những nơi cực khổ nhất. Những mẫu bệnh phẩm được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đưa đến liên tục. Họ có thể là người nghi nhiễm, F1, F2, là người đến từ vùng dịch có nguy cơ cao…
Là một trong những phòng xét nghiệm Covid-19 mạnh trong số hơn 30 phòng trên cả nước, nơi đây có thể xử lý tới 300-400 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Để có thể duy trì hoạt động 24/24 giờ, nhân viên Khoa Xét nghiệm phải chia làm 3 ca và liên tục tăng ca. BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cũng đã cử nhân viên y tế đến tiếp ứng.
Phút chạnh lòng
Trên đường vào Khoa Nhiễm D, phóng viên đã được "cảnh báo" rằng đó là chốn nhiều người rất ngại bước vào bởi đang điều trị cho hầu hết bệnh nhân Covid-19 của TP HCM. Dù không phải đối tượng bị cách ly, các BS, điều dưỡng vẫn chọn cuộc sống khép kín, ít giao du với suy nghĩ đã làm việc ở môi trường nguy cơ thì nên cẩn trọng gấp 5, gấp 10 lần người khác. Một "cảnh báo" thứ hai: bước vô rồi khi ra ngoài, coi chừng bị người ngoài đòi "cách ly"!
Đằng sau câu đùa hóm hỉnh của một BS là thực tế khá đắng cay cho những "chiến binh" trực tiếp đối diện với đại dịch toàn cầu: sự xa cách, nghi ngại của người ngoài, thậm chí của chính đồng nghiệp. Họ đang được xã hội tôn vinh. Nhưng có lẽ lại khó kiếm một người ngồi cạnh mà không ái ngại.
Nhiều nữ BS, điều dưỡng đã đề nghị chúng tôi có thể đưa tên, lấy tiếng nói nhưng đừng để họ "lên hình". Tại Khoa Xét nghiệm, một nữ BS vừa trải qua ca trực đặc biệt kéo dài tới 12 giờ, nhóm của chị đã trực tiếp xử lý tới 170 mẫu bệnh phẩm. Thế nhưng, khi hỏi tên, chị chỉ nói một chữ viết tắt "N".
Còn điều dưỡng Phạm Thị Tuyến cho biết chị luôn tắm rửa thật kỹ trước khi về, ra khỏi khoa còn rửa tay bằng cồn lần nữa vì sợ mình lỡ chạm tay vào vật gì, đem mầm bệnh ra ngoài. Từ lâu, chị đã ít giao du với hàng xóm, bây giờ còn kỹ lưỡng hơn. "Có em điều dưỡng nam tóc dài rồi mà chần chừ chưa đi cắt tóc, nói thôi, để qua mùa dịch này đã" - chị Tuyến cho biết. Điều dưỡng Trần Thị Bích Trâm cho hay bây giờ có ai mời đám tiệc, đi thăm viếng ai, chị cũng sẽ không đi…
Rất cần ủng hộ về tinh thần
"Thời điểm này, hầu như BS, điều dưỡng, sinh viên... tham gia cuộc chiến chống Covid-19 đều stress lắm. Công việc nhiều, vất vả, hiểm nguy, họ rất cần được ủng hộ về mặt tinh thần. Hãy nhớ rằng họ không phải đối tượng bị cách ly! Dù là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hay xử lý các mẫu bệnh phẩm nhưng họ đã được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, luôn theo đúng quy trình để được an toàn. Ai có nguy cơ thì đã được cách ly theo quy định. Từ ngày 1-4-2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM đã bố trí cho tất cả các nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp bệnh nhân dương tính về nghỉ ngơi tại một khách sạn 3 sao thay vì về nhà, để an toàn nhất cho gia đình, cho cộng đồng cũng như có chỗ nghỉ ngơi tiện nghi để tái tạo sức lao động" - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Bình luận (0)