Bốn hôm trước, UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị kêu gọi người dân ủng hộ đồng bào khó khăn vùng có dịch ở TP HCM. Nghe lời phát động, bà Nguyễn Thị Hạt (52 tuổi; ngụ thôn Long Thành, xã Tân Long) nghĩ mình phải làm gì để giúp đồng bào trong đó: "Ừ, thì nhà có con heo nặng hòm hòm tạ hai, sao mình không gửi tặng?".
Tặng luôn gia sản duy nhất
Bà Hạt lập tức gọi điện thoại ngay cho cô con gái làm ở UBND xã Tân Long, nói ra ý định ấy của mình và nhờ con gái hỏi xem UBND xã có tiếp nhận heo không? Mãi một lúc sau, con gái bà mới báo tin rằng xã sẽ nhận con heo này để làm muối ruốc thịt sả gửi bà con TP HCM đang gặp khó khăn. "Tôi mừng đến rơi nước mắt. Nhà chẳng có gì ngoài con heo nên chỉ biết ủng hộ heo. Cũng may là UBND xã đồng ý nhận, nếu không thì biết lấy gì ủng hộ bây giờ" - bà Hạt tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hạt gửi tặng con heo nặng 120 kg để xã Tân Long làm muối ruốc sả thịt gửi đồng bào ở TP HCM. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Con heo nặng 120 kg hơi này có giá khoảng 8 triệu đồng. Đây là tài sản lớn đối với người dân vùng núi nghèo như ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Mất nửa năm chăm nuôi, bà Hạt mới có được tài sản này. Bà Hạt nói về lý do biếu tặng vật nuôi đáng giá nhất của gia đình: "Những ngày qua, xem đài, báo thấy nhiều người dân trong vùng bị dịch ở TP HCM, nhất là người lao động nghèo, đang gặp khó khăn, tôi thương quá. Đây là món quà mà gia đình gửi tặng để giúp sức và động viên tinh thần bà con ở TP HCM vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh".
Bà Hồ Thị Tà Ơn vượt núi mang nông sản ra trung tâm xã Húc để gửi vào hỗ trợ bà con phía Nam. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho hay ai cũng bất ngờ khi nhận được món quà đặc biệt này từ bà Hạt. Sau khi tiếp nhận, chị em trong hội phụ nữ của xã đã chế biến thành 750 hũ muối ruốc sả. Ngay hôm qua, cùng với 6 tấn nông sản quyên góp được của người dân, lượng hũ muối sả này đã được gửi theo vào TP HCM để trao tận tay cho những bà con đang cần. "Việc làm của bà Hạt rất quý, rất ý nghĩa khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng" - ông Cương nhìn nhận.
Hoạn nạn có nhau
Gia đình bà Hồ Thị Tà Ơn (58 tuổi; ngụ thôn Ho Le, xã Húc, huyện Hướng Hóa) thuộc diện hộ nghèo, nhà ở cách trung tâm xã Húc gần chục cây số đường rừng. Vì tuổi cao nên rất hiếm khi bà Tà Ơn rời bóng núi Ho Le.
Năm ngoái, bà thay con đi bộ ra trung tâm xã để nhận quà cứu trợ vì lũ cuốn trôi toàn bộ hoa màu, vật nuôi của gia đình. Năm nay, bà lại cùng một số dân bản xuống núi Ho Le, gùi nông sản đi ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch. Số nông sản bà mang ủng hộ gồm măng tre, bí ngô, mít, với trọng lượng nặng hơn cả số cân nặng cơ thể của bà.
Món ruốc sả thịt do người dân xã Tân Long chế biến có thịt con heo của bà Hạt tặng. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
"Những khi dân bản bị bão lũ, bà con miền Nam tìm đến tận nơi cứu trợ, giúp tiền, lương thực, thuốc men. Giờ nghe trong ấy đang khó khăn, già hái chút quà rừng gửi nhờ cán bộ mang vào. Không chỉ mình già đây mà dân bản Ho Le ai cũng gửi, có ít gửi ít, có nhiều gửi nhiều. Dân bản ai cũng thương đồng bào miền Nam sống nghĩa tình, đang gặp khó khăn" - bà Tà Ơn nói lời "ruột gan".
Anh Hồ Văn Ưng, Trưởng thôn Ho Le, kể hôm rồi sau khi nghe thôn kêu gọi ủng hộ đồng bào TP HCM, bà Tà Ơn khoác a-chói lên nương, đến trưa trở về với một a-chói đầy măng tre, bí ngô và mít. "Lâu rồi mới thấy bà vui như thế" - anh Ưng nói và cho hay ở Ho Le không chỉ có bà Tà Ơn, nhiều người dân cũng thu hái nông sản, gửi ủng hộ bà con miền Nam.
"Có người dùng xe máy vận chuyển nông sản ra điểm tập kết nhưng cũng có nhiều người gùi a-chói đi bộ mất nửa ngày. Ai cũng muốn đưa nông sản vào ngay cho người dân miền Nam để bà con vơi bớt phần nào khó khăn" - anh Ưng cho biết thêm.
Hướng về Nam
Hơn ai hết, người dân Huế thấm thía thế nào là nghĩa đồng bào trong hoạn nạn mà mình từng trải qua, nhất là sau đợt lũ lịch sử năm 1985, vẫn còn in đậm trong câu hát: "Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng/ Sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng" ("Huế, tình yêu của tôi"; thơ: Đỗ Thị Thanh Bình, nhạc: Trương Tuyết Mai). Nên giờ đây, khi nghe đồng bào ở TP HCM trong tâm dịch đang gặp khó khăn, người dân đất cố đô lại chung tay trả nợ ân tình.
Ngày 15-7, đợt hàng thứ 2 trong chương trình "Món quà xứ Huế", gần 10.000 thẩu ruốc chấy mỡ do nhóm thiện nguyện ATM Gạo Huế kết hợp với Trường ĐH Luật - ĐH Huế thực hiện đã được vận chuyển vào TP HCM để kịp hỗ trợ bà con đang phòng chống dịch.
Người dân phường Thuận An, TP Huế chế biến các món hải sản gửi đồng bào TP HCM. Ảnh: QUANG TÁM
Anh Nguyễn Đăng Hậu, người sáng lập nhóm thiện nguyện ATM Gạo Huế, đứng ra kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm để có kinh phí khoảng 100 triệu đồng làm được 10.000 thẩu ruốc chấy mỡ này. Anh Hậu cho biết "Món quà xứ Huế" nhanh chóng được lan tỏa, nhiều người góp sức, góp của nên đến hôm nay, gần 10.000 thẩu ruốc chấy mỡ đã và đang đến với đồng bào TP HCM.
"Một tuần thực hiện chương trình, tôi rất mệt nhưng cũng rất vui vì được nhiều người đồng hành; hạnh phúc bởi có nhiều tấm lòng của người con xứ Huế gửi gắm trong mỗi phần quà này" - anh Hậu bày tỏ.
Trong những ngày qua, khắp nơi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân đang ngày đêm góp công, góp của để khẩn trương gửi hàng quà (gạo, thực phẩm chế biến, hải sản…) vào tiếp tế bà con TP HCM. Tại phường Thuận An, TP Huế, mọi người đang ngày đêm tham gia chế biến 2 tạ cá nục chiên giòn, 3.000 hũ cá cơm khô rim đậu mè, 300 hũ ruốc chấy mỡ để gửi vào. Ngoài ra, người dân Thuận An còn đóng góp 9 tấn cá nục tươi cứu trợ bà con TP HCM và các tỉnh phía Nam đang có dịch.
(Còn tiếp)
"Nghĩa tình Quảng Trị"
Chương trình "Nghĩa tình Quảng Trị", do Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị phát động, sau 2 ngày, đã tiếp nhận hơn 200 tấn nông sản, hàng hóa với tổng trị giá hơn 1,7 tỉ đồng. Hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh này đã phát động, kêu gọi người dân ủng hộ vật chất, tinh thần cho vùng có dịch ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Những ngày qua, người dân tỉnh Quảng Trị từ miền núi đến miền biển đóng góp nông sản, thực phẩm hỗ trợ người dân ở TP HCM.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, cho biết trong ngày 14-7, 2 chuyến xe chở khoảng 70 tấn nông sản, hàng hóa xuất phát vào TP HCM để kịp trao cho người dân trong khu cách ly.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7
Bình luận (0)