Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022, sáng 14-4, Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn".
Từng là Tổng Biên tập VietnamPlus, một trong những báo điện tử có tốc độ chuyển đổi số sớm và hiệu quả nhất của Việt Nam, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số; cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số; nhưng thực ra không phải vậy.
Góp ý vào cách thức chuyển đổi số, theo ông Minh, cách tốt nhất là đầu tư có chọn lọc vào những người có khả năng thích nghi cao nhất, ham học hỏi và linh hoạt. Nhưng trước tiên sự thay đổi phải đến từ cấp cao nhất trong ban biên tập, tòa soạn. Tiếp theo là phải hiểu biết rõ về dữ liệu. Việc có những lãnh đạo am hiểu công nghệ là lợi thế rất lớn để từ đó đưa ra được quyết sách xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai, tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, tăng cường sử dụng các công cụ digital.
Các đại biểu tham gia diễn đàn
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho rằng khi bạn đọc lên mạng, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19 vừa qua, bạn đọc lên mạng, sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Vì vậy, cần xác định bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó và báo chí muốn lên mạng thì cần phải chuyển đổi số.
Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua 3 thách thức lớn cần đối mặt để giải quyết là: Công nghệ, chi phí đầu tư, con người. Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Trong đó, thách thức quan trọng nhất là con người, bộ máy.
Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc VTV, cho biết: "VTV quyết định tinh giản bộ máy, quyết tâm khán giả ở đâu chúng tôi ở đó, khán giả xem bằng hình thức nào chúng tôi cung cấp hình thức đó, nhất quyết đi theo con đường chuyển đổi số".
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Anh Tuấn, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Dù muốn nhưng nhiều tổng biên tập khi nói về chuyển đổi số lại nghĩ rằng nếu chưa chuyển đổi số cũng không "chết" nên nhiều cơ quan báo chí thấy việc này chưa thực sự cấp bách.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn thông tin Đề án chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đợi được phê duyệt nhưng trong năm 2022, Bộ TT-TT sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí chiếm 3.000 - 5.000 người. Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn để bảo đảm độc lập chủ quyền trên không gian mạng, nên sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan truyền thông chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dựng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí; khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư xây dựng, phát triển những nền tảng riêng.
Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, chiếm tỉ lệ lớn với hơn 90%, bên cạnh việc kết nối với các nền tảng của các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ TT-TT cũng dự kiến đề xuất xây dựng nền tảng riêng cho nhóm này để chủ động vận hành.
Bình luận (0)