Sáng 10-3, Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM) tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Mức độ hài lòng của người dân TP đối với Công viên Bến Bạch Đằng". Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
"Lẽ ra phải chỉnh trang công viên từ lâu"
Theo nhóm nghiên cứu của Khoa văn hóa học, 86% người dân được khảo sát cho biết họ đến công viên với mục đích để vui chơi, giải trí, chụp ảnh lưu niệm. Số còn lại đến tập thể dục, đi tàu thủy, buôn bán, gặp gỡ bạn bè.
Các chuyên gia trao đổi, bàn luận về công viên bến Bạch Đằng
62% ý kiến nhận xét cảnh quan Công viên bến Bạch Đằng "đẹp, thoáng, sạch sẽ". Có một số cho rằng cảnh quan khu vực này ở mức độ bình thường và "TP lẽ ra phải chỉnh trang công viên này từ lâu rồi".
Về mức độ hài lòng với hiện trạng Công viên Bạch Đằng sau chỉnh trang, có 75% ý kiến đánh giá "khá hài lòng". Ở tỉ lệ còn lại, một số lý do khiến người dân chưa hài lòng về công viên gồm lòng sông ô nhiễm, thiếu bãi đậu xe, thiếu bóng mát, thiếu nhà vệ sinh, diện tích nhỏ nhưng đông người…
Qua khảo sát, 100% người được hỏi cho rằng việc chỉnh trang Công viên Bạch Đằng theo hướng mở ra không gian sông Sài Gòn mang phong cách hiện đại là phù hợp và cần thiết. Về tính kết nối giữa ga tàu thủy với Công trường Mê Linh và tượng Đức Thánh Trần, 90% ý kiến khẳng định phù hợp, không cần di dời.
Cần có tên gọi phù hợp
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã bàn luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất để hoàn thiện Công viên bến Bạch Đằng.
Ông Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả của nhiều cuốn sách viết về lịch sử Sài Gòn – TP HCM, có ý kiến Công viên bến Bạch Đằng đang bộc lộ những khiếm khuyết. Theo ông, nguyên nhân của những khiếm khuyết đó bắt nguồn từ việc TP tiến hành cải tạo khu vực này nhưng không thông qua việc lấy ý kiến của người dân.
Ông Trần Hữu Phúc Tiến đề nghị không nên trói buộc vào những khái niệm có sẵn. Vị này lấy dẫn chứng những khu vực dọc bờ sông ở nước ngoài thì được gọi là "khoảng dạo chơi"; còn trong lịch sử, khu vực Công viên bến Bạch Đằng được gọi là "bến tàu", "bến ngự".
Ông Trần Hữu Phúc Tiến đề nghị cần làm rõ lại tên gọi của khu vực công viên bến Bạch Đằng
Theo ông Tiến, cần làm rõ lại tên gọi của khu vực Công viên bến Bạch Đằng là "công viên", "bến tàu" hoặc là những từ ngữ mới như "không gian văn hóa". Ông Tiến nhấn mạnh: "Chúng ta phải quan niệm lại, công viên ở đây không có nghĩa là vườn, là chỗ dạo chơi mà vẫn phải có lịch sử, văn hóa, âm nhạc, kinh tế".
Đồng quan điểm với ông Trần Hữu Phúc Tiến, TS Nguyễn Thị Hậu đề nghị khoan hãy gọi khu vực này là "công viên".
TS Hậu nêu quan điểm: "Tôi nghĩ rằng đây là một không gian công cộng dành cho cộng đồng. Không gian công cộng này có nhiều chức năng bởi tính lịch sử và tính văn hóa của khu vực này".
Theo TS Hậu, ý nghĩa của bến Bạch Đằng là kết nối quá khứ với tương lai, kết nối giữa khu vực trung tâm của Sài Gòn với khu vực đô thị mới Thủ Thiêm, kết nối ý thức của cộng đồng thị dân đô thị.
Quảng trường Mê Linh: Nơi tạo hào khí, điểm hội tụ cộng đồng
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho biết việc cải tạo, chỉnh trang quảng trường Mê Linh và trùng tu tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo đang trong giai đoạn cuối và chuẩn bị khánh thành.
"Khu vực này mang một giá trị to lớn, tạo nên hào khí, điểm hội tụ cộng đồng, kết nối ga tàu thủy Bạch Đằng và vùng sông nước trên bến dưới thuyền để trở thành một TP sinh động, nhộn nhịp" - ông Toản nhận định.
"Giá trị của bến Bạch Đằng như một vị trí đầu mối trung tâm, từ đó có thể kết nối được các hướng Bắc – Nam – Đông – Tây của TP, là điểm đến – đi cho tất cả khách du lịch muốn dùng phương tiện thủy để đến những vùng cảnh quan văn hóa, lịch sử của TP"- Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật nói thêm.
Bình luận (0)