Tại buổi tọa đàm nhân Tuần lễ Nâng cao nhận thức về chất lượng không khí do Đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều 26-4 tại Hà Nội, ông Michael Shell, nhà kinh tế học của Văn phòng Giao thông và Chất lượng Không khí (OTAQ) thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, đã đề cập đến một số giải pháp nhằm giảm phát thải từ phương tiện giao thông để nâng cao chất lượng không khí.
Đề cập đến việc tại Việt Nam có một số ý kiến cấm xe máy để giảm tắc đường và nâng cao chất lượng không khí, bởi hiện nay xe máy chiếm tỉ lệ tham gia giao thông rất cao, được xem là một trong các nguyên nhân gây tắc đường và ô nhiễm không khí, song đâu là giải pháp?, ông Michael Shell đưa ra một bức ảnh chụp loạt xe máy dừng đèn đỏ và cho rằng nếu từng ấy người ngồi trong ôtô thì diện tích mặt đường bị sử dụng sẽ lớn hơn nhiều. Ông dẫn chứng một bức tranh của các chuyên gia Đức phân tích so sánh nếu chở 60 người đi ôtô thì mất cả 1 đoạn phố, xe buýt chỉ một khoảng và xe đạp thì ít hơn. Đi xe máy hiệu quả về mặt không gian song có vấn đề khí thải.
Ông Michael Shell, chuyên gia thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ
Ông Michael Shell nêu ra vấn đề nếu cấm xe máy thì hệ quả sẽ là như thế nào? Đâu sẽ là phương tiện thay thế cho người dân?
Mặt khác, hiện trong 1.000 người dân Việt Nam, chỉ 23 người có ôtô, trong khi đó tại Mỹ có tới 790 người/1.000 người có ôtô. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đời sống người dân nâng cao, mua sắm nhiều hơn, trong đó người dân sẽ có nhu cầu mua ôtô nhiều hơn, điều này sẽ tạo áp lực lớn hơn với môi trường. Liệu Việt Nam có thể duy trì tỉ lệ ôtô ít như thế này không, đó là câu hỏi lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng nhấn mạnh rằng điện than là nguồn gây ô nhiễm rất lớn. Theo sơ đồ quy hoạch điện 7 của Việt Nam, tỉ trọng điện than ngày càng tăng lên. "Để đạt mục tiêu chất lượng không khí phải giảm thiểu điện than" - ông Michael Shell lưu ý.
Theo ông Michael Shell, nước Mỹ mất 65 tỉ USD cải thiện không khí, song lợi ích mang lại được lượng hoá là hơn 2.000 tỉ USD.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng một trong những giải pháp là thay đổi về hành vi của mọi người trong tham gia giao thông. Để thay đổi hành vi, cách tốt nhất là khuyến khích hành vi tốt bằng cách tạo điều kiện làm cho nó dễ dàng thực hiện hơn, đồng thời hạn chế hành vi xấu bằng cách làm cho nó khó khăn và đắt đỏ hơn.
Dẫn chứng câu nói của Richard Thaler, người đoạt Giải Nobel kinh tế, rằng "Nếu muốn khuyến khích người ta làm gì, hãy tạo điều kiện cho người ta dễ dàng thực hiện điều đó", ông Michael Shell nhận định tại Việt Nam, xe máy được sử dụng nhiều vì đi lại một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng, dễ luồn lách.
Ở nhiều đô thị khác trên thế giới, để đi lại một cách dễ dàng, người ta sử dụng phương tiện giao thông công cộng: Hệ thống metro, bus… với giá cả hợp lý, thuận tiện. Tại Washington DC (Mỹ), sau khi xây dựng đường riêng, thuận tiện cho xe đạp, đã có rất nhiều người dân chọn phương tiện này để di chuyển.
"Nếu đưa ra một phương án đi lại đơn giản hơn, dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn, người ta sẽ lựa chọn phương án ấy, điều này sẽ không chỉ cải thiện kinh tế, giao lưu người dân với người dân mà còn giúp cải thiện chất lượng không khí"- ông Michael Shell nói.
Đồng thời, chuyên gia môi trường Mỹ cũng đề cập đến giải pháp mà nhiều thành phố khác trên thế giới đã lựa chọn: Làm cho các hành vi không được khuyến khích trở nên đắt đỏ hơn. Ví dụ như TP London (Anh) áp dụng quy định phương tiện đi vào khu vực trung tâm phải là phương tiện công nghệ cao, hạn chế phát thải, nếu không phải trả phí rất cao.
TP New York (Mỹ) áp dụng thu phí với tắc đường bằng cách khoanh vùng một khu vực, những phương tiện đi vào khu vực này sẽ phải trả phí cao (11 USD). Thủ đô Paris của Pháp áp dụng phương pháp biển chẵn, biển lẻ đi vào những ngày quy định, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp ngắn hạn, mặt trái của chính sách này là người dân có thể mua thêm xe để có thể đi mọi ngày.
"Song song với hạn chế phương tiện cá nhân phải tạo ra các phương tiện công cộng, nếu không sẽ tạo áp lực lên cuộc sống người dân"- ông Michael Shell lưu ý.
Tại toạ đàm, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink khẳng định mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Mỹ ngày càng mở rộng, trong đó có vấn đề chất lượng không khí.
Hằng năm, trên thế giới có tới 6,9 triệu ca tử vong (trên 10% số ca tử vong) do ô nhiễm không khí.
Mỹ đã gặp phải vấn đề về ô nhiễm không khí vào những năm 70 và đã vượt qua với 4 thành tố: Chính phủ quan tâm vấn đề chất lượng không khí, cung cấp thông tin công khai cho người dân về chất lượng không khí, thông qua đạo luật về chất lượng không khí và thực thi luật đó một cách nghiêm minh.
Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam về vấn đề này, trong đó phía Mỹ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam. "Tôi rất quan tâm vấn đề chất lượng không khí, mong muốn gia đình, đồng nghiệp… mạnh khoẻ, mong muốn hợp tác vì mục tiêu chung. Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác để có không khí sạch"- Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh.
Bình luận (0)