Đền Cuông, đền còn có tên gọi khác là đền Công, bởi xưa kia nơi đây có rất nhiều chim công sinh sống. Đặc biệt ngọn núi này có dáng hình con chim công khổng lồ, đầu chim công là nơi ngôi đền tọa lạc. Đền Cuông ở trên núi Mộ Dạ (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An), thờ Thục Phán An Dương Vương.
Đền Cuông linh thiêng tọa lạc trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu
Đền Cuông gắn liền với một vị vua trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngôi đền cũng gắn với truyền thuyết nỏ thần, mối tình ngang trái Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Tương truyền, năm 208 trước công nguyên, sau khi có được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, An Dương Vương phải rút lui về phương Nam. Đến bước đường cùng, An Dương Vương đã cùng con gái là công chúa Mỵ Châu tuẫn tiết tại Cửa Hiển, phía bắc núi Mộ Dạ.
Để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người dân đã lập đền thờ trên núi Mộ Dạ, hàng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công ơn của người. Ngoài ra. trên ngọn núi linh thiêng này, nhân dân địa phương cũng lập miếu thờ công chúa Mỵ Châu và thần Kim Quy.
Trên núi Mộ Dạ có miếu thờ thần Kim Quy và công chúa Mỵ Châu
Ngoài việc là nơi thờ tự linh thiêng, đền Cuông còn gắn với những câu chuyện huyền bí về việc chim hạc bay về, cá voi chết trôi dạt vào đúng thời gian tổ chức lễ hội.
Ông Cao Văn Lương, chủ nhanh tại đền Cuông, cho biết năm 1995, đền Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày khai mạc lễ hội (ngày 15-2 Âm lịch), khi hàng ngàn người dân đang chăm chú nhìn màn cưỡi ngựa diễu hành trong ngày khai hội đền Cuông thì bất ngờ có một con chim hạc lớn, từ trên trời bay xuống hạ cánh trên tay một người đàn ông tàn tật. "Mặc dù có tới hàng ngàn người dân và du khách nhưng chim hạc vẫn không bay, chim chỉ vỗ cánh đi lại giữa đám đông. Chim hạc ở tại đền tới 9 ngày, nhiều lần mọi người thả nhưng chim không bay" - ông Lương, chia sẻ.
Tiêu bản chim hạc hiện đang được lưu giữ tại đền Cuông.
Người dân cho rằng, chim hạc chính là công chúa Mỵ Châu hóa thân để tham gia lễ hội cùng mọi người. Chim hạc sau đó đậu nơi trang trọng ở trong đền nhiều ngày không rời đi. Được biết, sau khi lễ hội xong, chim hạc chết. Xác chim sau đó được ướp rồi bỏ vào lồng kính để tại nơi trang trọng nhất tại đền Cuông. "Chim hạc rất linh thiêng, nhờ được bảo quản tốt nên sau gần 30 năm tiêu bản chim vẫn còn nguyên vẹn" - ông Cao Văn Lương cho biết thêm.
Được biết, khi câu chuyện chim hạc còn chưa lắng xuống, tại lễ hội đền Cuông năm 1996 lại xuất hiện một con cá voi gần 10 tấn chết dạt vào bờ biển Cửa Hiền, thuộc địa phận xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Theo người dân địa phương, biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình xuống biển, sau đó người ta cũng đã lập miếu thờ tại đây. Việc cá voi chết dạt vào bờ là minh chứng cho sự tuẫn tiết bi thương của An Dương Vương.
Rất nhiều người dân đến thắp hương tại đền Cuông trong dịp Tết Nguyên đán
Nổi tiếng linh thiêng và huyền bí nên không chỉ người dân Nghệ An mà du khách thập phương khi đến xứ Nghệ đều dừng chân nơi ngôi đền này để thắp nén nhang. Đặc biệt trong dịp Tế Nguyên Đán, đền Cuông thu hút rất đông người đến viếng, cầu an. Bà Lê Thị Thuận, Ban quản lý di tích đền Cuông, cho biết đền rất linh thiêng, mỗi năm có hàng chục ngàn người địa phương và khách thập phương về tham quan, thắp hương viếng.
Bình luận (0)