Bóng đá phong trào ở thủ đô Hà Nội tuy mới phát triển 5 năm nay nhưng đã nhanh chóng trở thành mô hình kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác học hỏi về cách thức tổ chức không thua kém bóng đá chuyên nghiệp.
Tuyển quân bài bản
Giới bóng đá Việt cho rằng từ "phủi" vốn bắt nguồn từ bóng đá phong trào miền Bắc hơn 20 năm trước. Từ sân chơi "phủi" này, giai đoạn 2004-2005, ở Hà Nội xuất hiện 2 đội bóng cực mạnh, xem nhau như kỳ phùng địch thủ là Trà Dilmah và FC Cường Quốc.
Nổi tiếng nhất có lẽ là Trà Dilmah của ông bầu Hoàng Xuân Hồng. Những ngày đầu thành lập, đội bóng này quy tụ dàn cầu thủ "đỉnh" nhất của Thể Công và Công an Hà Nội. Sau này, bầu Hồng quyết định đầu tư cho Trà Dilmah một lứa cầu thủ tài năng "chuyên trị" đá futsal lẫn sân cỏ nhân tạo. Từng có thời điểm, Trà Dilmah thắng cả tuyển futsal Việt Nam, trở thành một thế lực lớn, đối trọng với cả CLB Thái Sơn Nam ở TP HCM.
Ông bầu Trần Quốc Cường (giữa) đầu tư rất nhiều cho đội bóng phong trào FC Cường Quốc. (Ảnh do FC Cường Quốc cung cấp)
Trà Dilmah có cách tuyển quân, nuôi quân bài bản nhất bóng đá phong trào Hà Nội khi trong nhiều năm liền, các thành viên đội bóng được ký hợp đồng làm việc tại Công ty Thái Sơn Nam. Trà Dilmah còn được giới "đá phủi" đất Bắc mến mộ vì bầu Hồng chỉ tuyển những cầu thủ tài năng, đạo đức tốt. Cầu thủ vào lò đào tạo của Trà Dilmah bắt buộc phải chơi fair-play; còn đá xấu, "chặt chém" đối thủ là phải khăn gói ra đi.
Nổi tiếng không kém Trà Dilmah là FC Cường Quốc của doanh nhân đam mê bóng đá Trần Quốc Cường. Bầu Cường "hói" có cách tuyển quân hoàn toàn khác Trà Dilmah khi chú trọng đến các anh tài đã thành danh. Đó có thể là những gương mặt đã và đang chơi bóng chuyên nghiệp hoặc có tên tuổi nhất định trong giới "phủi" Hà Nội.
Do chế độ đãi ngộ rất tốt lúc đó, FC Cường Quốc một thời được coi là Lương Sơn Bạc của bóng đá phong trào Hà Nội. Có điều, giới bóng đá không thích lối chơi tiểu xảo của đội bóng này nên phần đông người hâm mộ thường chọn cổ vũ Trà Dilmah.
Chơi phong trào, làm chuyên nghiệp
Nhiều năm nuôi "sao" nhưng FC Cường Quốc dễ dàng mất người giỏi vì thiếu sự trung thành, bầu Cường nhận ra rằng mang tiếng là "phủi" nhưng tổ chức bài bản thì mới tồn tại. Trùng với thời điểm bóng đá sân cỏ nhân tạo 7 người nở rộ ở Hà Nội và bắt đầu lan rộng ra các tỉnh lân cận, FC Cường Quốc nhanh chóng xây dựng mô hình CLB "phủi" chuyên nghiệp.
Để làm được điều này, bầu Cường mời HLV Nguyễn Tiến Thiết, người được ví như "Mourinho phong trào" vì nhiều năm lăn lộn ở các đội bóng "phủi", về dẫn dắt CLB cũng như chịu trách nhiệm đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, FC Cường Quốc hợp tác với Công ty Dầu khí PSA để chăm lo chế độ, giải quyết việc làm cho cầu thủ sau khi giải nghệ. Nhờ vậy, nhiều cầu thủ phong trào hay nhất Hà Nội hiện nay như Đạo "Từ Sơn", Việt Dũng, Hùng "sư phạm", Dũng "Crouch"..., thậm chí cả tuyển thủ Nghiêm Xuân Tú, Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, cũng đều xách giày đá cho FC Cường Quốc.
Không chỉ thuê HLV giỏi, chăm lo kinh tế, việc làm cho cầu thủ, bầu Cường và HLV Tiến Thiết còn đến nhiều địa phương để săn tìm người. Chính cách làm này giúp FC Cường Quốc trở thành một thế lực rất mạnh của bóng đá phong trào đất Bắc, với lượng CĐV lên đến hàng ngàn người sẵn sàng đến sân cổ vũ khi đội nhà thi đấu.
Phong trào cũng có bản sắc
Hiện nay, cái tên được nhiều người nhắc đến trong sân chơi bóng đá phong trào là Thành Đồng FC. Đội bóng của bầu Thành "bang chủ" tôn thờ lối chơi ban bật đẹp mắt nên được CĐV bóng đá phong trào ví như "Barca của Hà Nội".
Có thời điểm, quân số của Thành Đồng FC lên đến hơn 40 người nhưng để duy trì được lối đá bản sắc vốn được người hâm mộ yêu thích, trong tay bầu Thành luôn có cặp bài trùng Thắng "Xavi" (cựu tuyển thủ futsal Việt Nam) và Giang "say". Đây là những nhân tố chủ lực làm nên thương hiệu cho đội bóng "phủi" có lực lượng CĐV đông gấp nhiều lần so với CLB hàng đầu V-League là Hà Nội FC của bầu Hiển.
Thắng "Xavi" cho biết: "Thành Đồng chỉ tuyển người có kỹ thuật tốt, phù hợp với lối đá xoay kiểu futsal, có tư duy phối hợp nhóm, chuyền bóng tốt. Đội bóng không thích tuyển những cầu thủ có lối chơi thiên về sức mạnh, đá cá nhân. Dù được bầu Thành "bang chủ" hậu thuẫn khá tốt nhưng Thành Đồng không phải là đội bóng nuôi quân tốn kinh phí nhiều như EOC, Ocean hay một số đội mới nổi. Điều này tạo nên sự bền vững cho đội bóng, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn có người hâm mộ nhớ đến chúng tôi".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10
Kỳ tới: Tốn tiền tỉ vì đam mê bóng đá
"Ngày bán trà, tối đi đá bóng" là câu nói đùa của nhiều thành viên đội Trà Dilmah nhưng họ không tự ái vì cuộc sống luôn được bảo đảm, yên tâm cống hiến.
Bình luận (0)