Ngày đầu tiên trở về nước sau chuyến công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Thổ Nhĩ Kỳ (từ ngày 9 đến 19-2), dù trải qua chặng đường dài và trước đó thực hiện nhiệm vụ với tinh thần cùng sức lực cao nhất, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo vẫn thức dậy sớm phụ vợ chuẩn bị cho các con đi học như thường ngày.
Đau đáu với tình hình nước bạn
Cuộc trò chuyện giữa thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo và phóng viên nhiều lần bị ngắt quãng bởi chương trình thời sự trên tivi đưa tin về tình hình động đất. Vị thiếu tá chăm chú theo dõi những hình ảnh đổ nát và thở dài khi thấy số lượng người tử vong đã tăng hơn so với hôm trước.
5 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng PCCC và CNCH TP HCM tại Thổ Nhĩ Kỳ
Kể về một trong những thời khắc quan trọng trong đời cảnh sát, ông Đạo cho hay hôm đó (9-2) trực tại cơ quan, đến khoảng 12 giờ trưa thì nhận được lệnh tham gia CNCH trong động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Anh lập tức gọi điện về dặn vợ gói ghém một số đồ dùng cá nhân, còn mình thì nhanh chóng chuẩn bị phương tiện, máy móc để kịp chuyến bay lúc 15 giờ. Chuyến bay sẽ đưa anh cùng 4 đồng đội ra hội quân với đoàn công tác của Bộ Công an để sang Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi có vỏn vẹn vài giờ để chuẩn bị cho chuyến công tác, cũng chưa kịp tạm biệt mẹ và các con. Nhưng với người lính như chúng tôi thì luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ. Huống hồ đây còn là một nhiệm vụ rất đặc biệt" - thiếu tá Đạo kể.
Nhớ về những hình ảnh đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo xót xa: "Trên đường di chuyển đến khu vực được phân công thực hiện nhiệm vụ, xe đi đến đâu là cảnh hoang tàn, đổ nát hiện ra đến đó. Đường sá tắc nghẽn trầm trọng, nhà cửa thì sụp đổ, người dân phải dựng lều để ở… Bầu không khí tang thương, ảm đạm bao trùm lên cả một vùng đất rộng lớn".
Đoàn CNCH của Việt Nam đã để lại những hình ảnh về sự nỗ lực, lăn xả, chu đáo, nghĩa tình trong mắt bạn bè quốc tế
Với thượng úy Nguyễn Nhật Phương, khi phóng viên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi vì sao đang được nghỉ phép nhưng vẫn đến đơn vị thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ. Theo đó, anh lên đơn vị để soạn những bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng mang đi giặt. Bởi lúc sang Thổ Nhĩ Kỳ thì mang 2 bộ, trong đó một bộ của mình và một bộ đi mượn. Muốn không ảnh hưởng đồng đội nếu có tình huống phải ra hiện trường, anh phải "trả nợ giặt" để hoàn lại sạch sẽ, tinh tươm.
Về chuyến công tác, thượng úy Phương kể 4 giờ sáng 11-2, đoàn của Việt Nam đến khu vực được giao nhiệm vụ. Vừa đến nơi, dù rất mệt và trời còn tối nhưng các chiến sĩ nhanh chóng khảo sát hiện trường để lên phương án CNCH. Dưới lớp sương mù dày đặc sớm hôm ấy, lá cờ đỏ sao vàng tung bay như tiếp thêm niềm tin cùng động lực cho đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ…
"Các anh em trong đoàn động viên nhau nỗ lực nhất có thể để cứu người. Khi được giao hiện trường nào thì nhanh chóng làm xong hiện trường ấy để còn chuyển sang hiện trường khác. Vì đâu đó dưới lớp bê-tông đổ nát vẫn còn những sự sống đang chờ đợi chúng tôi. Phải bung hết sức khỏe, sức trẻ của mình để hỗ trợ nước bạn" - anh Phương nói.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo “nạp năng lượng” để tiếp tục lao vào hiện trường Ảnh: Đoàn công tác cung cấp
Khẳng định tinh thần Việt Nam
Hơn 16 năm trong nghề, với đại úy Nguyễn Trường Nam thì chuyến công tác CNCH thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ để lại ấn tượng sâu sắc trong sự nghiệp.
Đại úy Nguyễn Trường Nam cho hay sự cố sụp đổ công trình vốn đã gây khó khăn cho công tác CNCH. Sụp đổ công trình do động đất như tại Thổ Nhĩ Kỳ thì còn khó khăn gấp nhiều lần.
"Dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi không hề chùn bước mà nhắc nhau cố gắng. Nỗ lực hơn vì những nạn nhân đang cần chúng tôi, vì những người ngày đêm chờ đợi tin tức thân nhân. Và chúng tôi cố gắng để khẳng định hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế" - ông Nam nói.
"Mỗi quốc gia đều có chiến thuật CNCH riêng. Với đoàn Việt Nam thì chúng tôi luôn tiếp cận sâu nhất, lâu nhất và kỹ nhất ở mọi hiện trường được giao" - ông Nam kể tiếp. Người đại úy cho biết một ngày tìm kiếm thường bắt đầu khoảng 8-9 giờ sáng. Thế nhưng, từ hơn 7 giờ là lực lượng của Việt Nam đã có mặt tại hiện trường. Các chiến sĩ cùng nhau khảo sát khu vực rồi bàn bạc để đưa ra phương án CNCH hiệu quả nhất. Còn đêm xuống thì chỉ khi nào những ánh đèn soi cuối cùng trên "đại công trình" được tắt đi thì lúc ấy đoàn Việt Nam mới rời khỏi hiện trường, về lều nghỉ ngơi sau ngày dài tìm kiếm.
Còn thượng úy Nguyễn Văn Trung (Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP HCM) nhớ mãi cảm xúc vỡ òa khi trở về TP HCM sau chuyến công tác dài ngày. Trò chuyện với ông Trung, chúng tôi cảm nhận được đằng sau chất giọng khàn khàn là cả một niềm tự hào to lớn.
"Năm nay tôi cũng đã 35 tuổi với hơn 13 năm công tác trong nghề CNCH nhưng vẫn cảm thấy chưa làm được điều gì để ba mẹ tự hào. Tôi vinh dự khi được chọn tham gia làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến công tác kết thúc tốt đẹp chính là điều mà tôi đã làm được để ba mẹ tự hào về tôi" - anh Trung chia sẻ.
"Hình ảnh nào ở Thổ Nhĩ Kỳ làm anh ấn tượng nhất?" - phóng viên hỏi. Giọng người cảnh sát chùng xuống: "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng của Việt Nam dựng lều và ở trên khoảng sân của một ngôi trường mẫu giáo. Trước cửa mỗi lớp học có một kệ để đựng đồ. Từng ô vuông trên kệ dán hình của các em nhỏ trong thảm họa. Mỗi khi đi ngang qua các dãy lớp, nhìn những tấm hình các em nhỏ tươi cười mà ruột như thắt lại".
Thượng úy Trung cho biết trước đó, anh và đồng đội đã tìm được 4 thi thể trong một căn nhà. Trong số đó có một bé khoảng 3-4 tuổi. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong đầu anh. "Không biết trong số những tấm hình mà tôi nhìn thấy thì còn bao nhiêu em được may mắn sống sót. Tôi cũng có con đang trong độ tuổi học mẫu giáo nên đồng cảm và thấy thương các bé rất nhiều" - anh Trung trầm ngâm.
"Bên này làm khỏe lắm, em đừng lo nhé"
Đó là câu nói ngắn ngủi mà trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP HCM), nói vội với vợ qua điện thoại trong thời gian ông đang làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tắt điện thoại, ông Thành lại lao vào đống đổ nát để tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. Ngược lại, với thông tin nhằm trấn an bà xã, trên hiện trường nhiều lúc ông Thành phải đối mặt với những khoảnh khắc "chân đứng không vững giống như sắp khụy tại chỗ".
"Mình đi làm, người thân ở nhà cũng mất ăn mất ngủ theo. Lúc nào ra hiện trường tôi cũng gọi điện về thông báo tình hình để họ được yên tâm. Có gì đâu…; Ở đây cảnh đẹp lắm…; Đi làm như đi chơi… là mấy câu mà tôi hay nói với vợ con mỗi khi ở hiện trường, dù thực tế bên ngoài thì trái ngược hoàn toàn" - ông Thành dẫn "mẹo ổn định tâm lý cho người thân".
Qua chuyến công tác đặc biệt này, trung tá Nguyễn Chí Thành cảm nhận được rõ niềm kiêu hãnh dân tộc. "Mỗi khi xem thi đấu thể thao mà thấy lá cờ Việt Nam được kéo lên cùng bài Quốc ca là tôi đều nổi da gà, cảm xúc lâng lâng tự hào lắm. Còn khi nghe 2 tiếng Việt Nam được người dân Thổ Nhĩ Kỳ gọi lên với tình cảm trân quý thì cảm xúc của tôi gấp 10 lần" - ông Thành nói.
Trước khi về nước, đoàn công tác đã mang tặng lại những chiếc lều của đoàn cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cho biết trong thời gian tới, những chiếc lều ấy sẽ dùng làm lớp học cho học sinh. Biết được thông tin này, theo trung tá Thành, ai trong đoàn cũng xúc động.
Bình luận (0)