Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh mới đây, ngành than sẽ chấm dứt khai thác lộ thiên trên địa bàn TP Hạ Long trong năm 2019, tập trung cho phát triển du lịch - dịch vụ vốn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hoạt động khai khoáng nhiều năm qua.
Chuyển đổi mô hình
Khai khác than lộ thiên là ngành kinh tế truyền thống tại Quảng Ninh. Tuy vậy, việc khai thác này ngày càng gây ra nhiều hệ lụy như thoái hóa đất, giảm độ che phủ rừng, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, nước mặt, nước ven bờ, gia tăng sạt lở đất, bồi lấp sông suối, biến đổi địa hình. Đặc biệt, khai thác than tác động không nhỏ tới cảnh quan, môi trường của TP Hạ Long và Di sản vịnh thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi phát triển từ "nâu" sang "xanh", nhấn mạnh đặc biệt đến yếu tố môi trường. Hiện Quảng Ninh có 36 khu vực, mỏ than lộ thiên ở Uông Bí - Mạo Khê, Hòn Gai và Cẩm Phả.
Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đề nghị tiếp tục khai thác than tại các dự án Núi Béo, Hà Lầm, Suối Lại đến hết năm 2020. Tuy nhiên, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc đóng cửa các mỏ than lộ thiên là phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xây dựng Hạ Long thành thành phố du lịch biển, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Quảng Ninh xác định rõ đến hết năm 2019 kết thúc 4 dự án khai thác lộ thiên ở TP Hạ Long ở 3 mỏ Hà Tu, Núi Béo, Hà Lầm; từ năm 2020 đến năm 2025 kết thúc 5 dự án khai thác lộ thiên khác.
Ông Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cho biết sở này đã phối hợp với Vinacomin và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đẩy nhanh việc đóng các khu vực khai thác than lộ thiên, dành quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng với lộ trình đóng cửa các mỏ than lộ thiên, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi-măng Việt Nam đối với 2 nhà máy xi-măng Thăng Long 2, Hạ Long 2 tại huyện Hoành Bồ. Đây là 2 nhà máy nằm sát vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân trong khu vực.
Mỏ than lộ thiên Hà Tu sẽ đóng cửa trong năm 2019
Du lịch, dịch vụ là trọng tâm
Ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên. Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, Quảng Ninh sẽ tăng cường quản lý nhà nước từ khâu cấp phép, hậu kiểm các dự án lớn về hạ tầng du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án bằng các nguồn vốn đầu tư công về xử lý nước thải đô thị; vận hành liên tục các trạm quan trắc; tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường.
Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng du lịch, giao thông lớn được khánh thành và đưa vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho du khách nói riêng và là điểm nhấn cho du lịch Quảng Ninh nói chung. Một loạt dự án từ các nhà đầu tư có tên tuổi, như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, MyWay, FLC… với các công trình: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng… đã đi vào hoạt động nâng tầm cho du lịch Quảng Ninh. Cùng với đó, các khu nghỉ dưỡng, sân golf và các khách sạn cao cấp, không gian du lịch được mở rộng, chất lượng sản phẩm du lịch được đa dạng và phong phú hơn nhiều đã phát huy tiềm năng và lợi thế cho du lịch Quảng Ninh.
Năm 2018, Quảng Ninh đón 12,28 triệu lượt du khách, trong đó có 5,2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 24.000 tỉ đồng. Năm tháng đầu năm 2019, Quảng Ninh đã đón trên 7,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 2,4 triệu lượt, tăng 14%; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 14.000 tỉ đồng, tăng 25%, đạt 51% kế hoạch năm. Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu đón 15-16 triệu lượt du khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.
Quảng Ninh sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và công trình văn hóa, lịch sử như vịnh Hạ Long, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Yên Tử và các khu di tích quốc gia đặc biệt: Nhà Trần ở Đông Triều, Bạch Đằng ở Quảng Yên, Đền Cửa Ông ở Cẩm Phả… Cùng với đó là hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại chính là cơ sở để Quảng Ninh tạo nên sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn trong phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương về du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...
Khai thác bằng công nghệ cao
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương này đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm. "Đến thành phố du lịch mà để bụi bặm là không được. Vì thế, Quảng Ninh đã phối hợp với ngành than đóng các mỏ lộ thiên để phục hồi môi trường, đồng thời vận động ngành than chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò với công nghệ cao" - ông Hậu nói.
Bình luận (0)