xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyến về quê nhớ đời

Bài và ảnh: TRẦN THỊ NĂM

Hơn 40 năm qua, tôi vẫn luôn nhớ chuyến về quê ăn Tết năm ấy, nhớ mãi tấm lòng tốt của anh công an và những người bạn ở quê nhà...

Chiều 29 Tết năm 1978. Trời hanh khô, gió mùa Đông Bắc tràn về len lỏi khắp các khu nhà, ngõ phố. Trên mọi nẻo đường của TP Vinh, tỉnh Nghệ An, người và xe vẫn nườm nượp ngược xuôi. Bến xe Vinh hành khách vẫn ngồi, nằm la liệt.

Bị rạch túi, hành lý theo xe mà không có chủ

Tôi mua được vé rồi ngồi chờ chuyến xe của mình. Rất may tôi được gặp anh Loan người cùng xã. Anh là sinh viên của Trường Đại học Y Bắc Thái về quê nghỉ Tết. Tôi và anh cùng về một chuyến xe. Chúng tôi chờ mãi tới 17 giờ, chuyến xe cuối cùng cũng đến. Xe chở khách là một chiếc xe tải được điều động để phục vụ Tết. Thấy xe đến, mọi người đổ ra, chen nhau lên xe. Thùng xe cao, anh Loan phải vất vả lắm mới lên được, còn tôi vẫn trôi nổi trong đám người chen chúc. Tôi nghe tiếng anh Loan gọi to:

- Năm ơi! Năm ơi!... Đưa tay đây!

Tôi nghe anh gọi nhưng không thể nào vào sát thùng xe để đưa tay anh kéo tôi lên được. Bỗng tôi thấy trên tay nhẹ hẫng. Tôi hốt hoảng khi nhìn xuống cái túi của mình rỗng không. Kẻ gian lợi dụng lúc chen lấn, chúng rút sạch hết đồ đạc trong túi của tôi. Tôi cố lách ra khỏi đám đông rồi ngồi khóc. Toàn bộ đồ đạc của tôi, quần áo Tết các em tôi đã không cánh mà bay. Thấy tôi mất hết đồ, từ trên xe anh Loan vội nhảy xuống để an ủi tôi. Bỗng chiếc xe chuyển bánh rồi lao đi. Tôi và anh Loan đều hốt hoảng. Anh bật chạy theo xe, vừa vẫy tay vừa gọi to:

- Dừng lại!... Dừng lại!...

Chuyến về quê nhớ đời - Ảnh 1.

Tác giả (bên phải, hàng sau) với bạn học ngày xưa

Chiếc xe vẫn lao về phía trước. Anh chạy theo xe một đoạn, khi không còn hy vọng anh mới quay lại. Hai anh em nhìn nhau, nước mắt tôi lã chã rơi. Thế là hành lý của anh về cùng chuyến xe ấy mà không có chủ. Một lúc sau, anh bảo tôi:

- Hành lý của anh thế là mất rồi. Còn em, em vào báo với công an để họ biết và may ra khi tội phạm bị bắt, chúng khai báo và sẽ trả lại tài sản, có thể em nhận lại được nó.

"Xe đạp mượn" về quê

Nghe lời anh, tôi đi vào trình báo công an. Vừa bước chân đến cửa phòng, tôi ngạc nhiên thấy trước mặt là một chiến sĩ công an trẻ mà tôi biết tên, đó là anh Thưởng, anh họ của Lan học cùng khóa với tôi ở Trường Sư phạm. Thấy mắt tôi đỏ hoe, anh hỏi:

- Có việc gì thế em?

Tôi ngại ngùng trả lời:

- Dạ… em bị mất hết đồ rồi anh ạ!

Tôi kể cho anh nghe chuyện vừa mới xảy ra. Nghe xong, anh đưa tôi tờ giấy, bảo kê khai những gì đã mất. Tôi viết xong nộp lại cho anh và ngập ngừng nói:

- Anh ơi, em nhờ anh xem có chuyến xe nào về chợ Cồn nữa không và... nhờ anh...

Anh hiểu ý tôi nên bảo:

- Giờ này không còn chuyến xe nào về Bến xe chợ Cồn nữa đâu em.

Nghe anh nói vậy, tôi và anh Loan hết hy vọng. Trong lúc chúng tôi đang lo lắng thì anh nói tiếp:

- Giờ em lấy xe của anh rồi hai anh em cùng về kẻo muộn.

Nói rồi anh dắt chiếc xe đạp còn mới tinh tới cho tôi. Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, anh liền nói:

- Em cứ tự nhiên, không sao.

Tôi vội hỏi:

- Thế anh không về quê ăn Tết à?

- Khi nào thành phố này bình yên, anh mới về ăn Tết được.

Việc làm và lời nói của anh khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi chỉ biết cảm ơn anh rồi chào tạm biệt ra về.

Trời đã sẩm tối, mặt trời lặn sau rặng núi xa xa. Ngồi trên xe, hai anh em không nói gì, anh Loan cố hết sức đạp thật nhanh. Thế là về Tết, tôi và anh chỉ còn tay trắng. Tất cả vì tôi! Tôi tự trách mình và thấy thương anh như người anh ruột của mình. Tôi thầm ước mong sao hành lý của anh vẫn còn nguyên vẹn và anh sẽ được nhận lại nó.

Đêm của tình bạn thân thương

Chẳng mấy chốc chúng tôi đến thị trấn Nam Đàn. Trời đã tối đen. Chặng đường về Bến xe chợ Cồn còn xa và con đường đi qua núi Đụn quanh co, đồi núi vắng vẻ. Chúng tôi đành dừng chân vào nghỉ tại nhà người bạn thân của tôi ở thị trấn Nam Đàn. Từ quốc lộ vào nhà bạn không xa lắm. Vừa đến cổng, tôi gọi to:

- Hiền ơi!...

Nghe tiếng gọi, Hiền chạy ra mở cửa. Thấy tôi, Hiền ngạc nhiên:

- Sao bây giờ Năm mới về tới đây?

Nghe tôi kể xong sự việc, nét mặt Hiền thoáng buồn.

- Anh và Năm vào nhà nghỉ, sáng mai về sớm. Năm cũng đừng buồn nữa, lo lắng cũng chẳng lấy lại được những gì đã mất - Hiền nói.

Tôi và anh Loan vào nhà. Hiền chuẩn bị cơm nước xong, chúng tôi ăn bữa cơm cùng gia đình thật ấm áp. Hiền nói:

- Mình còn tấm vải, giờ cắt may quần cho Năm.

- Thôi Hiền ơi, Tết đến nơi rồi, bao công việc phải làm. Hiền đừng cắt may nữa.

Tôi nói vậy, nhưng tính bạn tôi đã nói là làm. Đêm đã về khuya, Hiền vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu may đồ cho tôi. Hiền may xong, hai chúng tôi nằm ngả lưng chẳng được bao lâu thì trời cũng đã sáng. Hai anh em lại tạm biệt gia đình bạn tiếp tục hành trình về nhà.

Qua một đêm dừng chân ở nhà bạn, chúng tôi như có thêm sinh khí mới. Xe phóng nhanh, rồi chùng tôi đến chợ Cồn. Nhìn qua bãi ngô xanh mướt, bên kia dòng sông Lam là Thanh Hà quê tôi. Đi một quãng gần bến đò, chúng tôi gặp đoàn người quê tôi đi chợ Tết, trong đó có chị Lam người cùng làng. Chị vồn vã nói:

- Hai anh em bây giờ mới về, chị báo cho một tin vui nhé!

- Dạ, tin vui gì ạ? - tôi vội hỏi.

- Hành lý của Loan vẫn còn không mất đâu!

Lúc đầu tôi vẫn không tin, cứ ngờ ngợ chị nói đùa chăng? Nhưng chị nói tiếp:

- Trên chuyến xe ấy có Niên. Khi thấy Loan không kịp lên xe, Niên đã giữ hành lý cho Loan và mang về gửi ở nhà bà Bảy gần bến xe, giờ Loan quay lại mà lấy về.

Những ngày Tết sum vầy

Hai anh em vui mừng khôn xiết. Chúng tôi không ngờ trên chuyến xe ấy lại có anh Niên người cùng làng.

Về đến nhà, sự động viên của gia đình đã giúp tôi quên đi nỗi buồn. 10 giờ ngày 30 Tết, cha tôi lấy xấp vải mà anh Trần Văn Chiêu - người anh kết nghĩa của anh trai - tặng tôi nhân dịp về thăm gia đình sau ngày giải phóng miền Nam. Cha tôi cất kỹ để dành may bọc chăn chuẩn bị cho tôi ngày ra trường công tác. Cha gọi tôi lại nhẹ nhàng nói:

- Con mang xấp vải này đi may quần áo cho con và các em.

Tôi vâng lời cha cầm xấp vải có hình hoa lài nhỏ xinh rất dễ thương đưa đi may cho tôi một cái áo và ba em tôi mỗi đứa một bộ.

Chuyến về quê nhớ đời - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Loan ngày nay, chàng sinh viên y khoa trong chuyến về quê đáng nhớ hôm nào

Sáng mùng 1 Tết, mẹ tôi đã sắp sẵn trầu cau vào một cái túi để chị em tôi đi chúc Tết. Bốn chị em xúng xính trong những bộ đồ mới, chở nhau trên 2 chiếc xe đạp đi chúc Tết người thân trong làng, trong xã. Mẹ tôi nhìn các con, nở nụ cười thương yêu mãn nguyện.

Năm 1979, tôi tốt nghiệp ra trường, về công tác ở một trường thuộc miền Tây tỉnh Nghệ An. Năm 1991, tôi chuyển vào công tác tại Đà Nẵng. Anh Loan ra trường, nay làm bác sĩ ở Vinh. Còn anh Thưởng, tôi đã nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa gặp lại. Gần đây tôi mới biết tin anh đang sống ở Tây Nguyên. Mong có dịp lại gặp anh, hàn huyên bao chuyện của cuộc đời. 

Đón Tết xong, tôi trở lại TP Vinh, đến chúc Tết và cảm ơn người chiến sĩ công an đã dành trọn cả những ngày xuân cho sự bình yên của nhân dân và gửi lại xe cho anh. Mùng 5 Tết, anh đã rất bận rộn với công việc. Tiếp tôi trong chớp nhoáng, anh chỉ kịp để lại trong vành nón tôi địa chỉ của anh.

Chia tay anh, tôi trở về trường. Đi giữa TP Vinh những ngày đầu xuân yên ả, câu nói của anh vẫn văng vẳng bên tai tôi: "Khi nào thành phố này bình yên, anh mới về quê ăn Tết".

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Chuyến về quê nhớ đời - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo