xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện xảy ra ở Đại Việt năm Kỷ Hợi cách đây 300 năm

Lê Tiên Long

(NLĐO)- Cách đây tròn 300 năm, cũng là năm Kỷ Hợi, dương lịch là năm 1719, nước ta đang trong thời vua Lê Dụ Tông và trực tiếp là chúa Trịnh Cương.

Vua Dụ Tông sử dụng niên hiệu Vĩnh Thịnh từ năm 1705 đến năm Kỷ Hợi 1719. Sang năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu thành Bảo Thái, mà nhiều người đọc truyện Trạng Quỳnh sẽ nhớ đến câu chuyện tiếu lâm liên quan đến niên hiệu này.

Lê Dụ Tông là con trai vua Lê Hy Tông (trị vì từ 1675-1705), vị vua được sử sách ca ngợi là vị vua anh minh đức độ bậc nhất thời Lê Trung hưng. Về thời kỳ trị vì của vua Lê Dụ Tông, sách "Lịch triều tạp kỷ" của Lê Cao Lãng viết như sau: "Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành... Có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này".

Chuyện xảy ra ở Đại Việt năm Kỷ Hợi cách đây 300 năm - Ảnh 1.

Triều đình nhà Lê - Ảnh minh họa

Các sự kiện quan trọng diễn ra ở nước ta cách đây 300 năm diễn ra năm Kỷ Hợi, 1719, tức năm Vĩnh Thịnh thứ 15, được ghi lại trong bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" của sử quan triều Nguyễn, đầu tiên có: "Tháng 3, mùa xuân. Bãi bỏ công việc sửa chùa Phúc Long".

Bộ sử này cho biết, trước đó, chúa Trịnh Cương bắt dân 3 huyện Gia Định (Gia Bình hiện nay), Lang Tài (Lương Tài) và Quế Dương (Quế Võ hiện nay, đều thuộc tỉnh Bắc Ninh) sửa chùa Phúc Long từ năm Giáp Ngọ (1714) đến nay đã được 6 năm. Có người nói việc ấy làm nhọc công sức dân, nên chúa bèn bãi bỏ.

Sách cũng chú thích, chùa Phúc Long ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Định, do chúa Trịnh Tráng cho làm từ năm 1648 đời vua Lê Chân Tông. Đến niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tông mới sửa lại. Sang thời Nguyễn thì chùa ấy đã bị bỏ, nhưng nền cũ vẫn còn.

Sự kiện quan trọng thứ hai trong năm 1719 được sử ghi lại là "Định phép khảo công đối với viên quan ở trấn ty".

Theo đó, chúa Trịnh Cương xét rằng các viên quan ở các địa phương (trấn ty) được giữ độc quyền khống chế trong một phương, khó biết được ai xứng đáng ở chức vụ. Chúa muốn khảo xét tra cứu kỹ càng để thi hành việc giáng cấp hoặc cất nhắc, bèn định ra 5 điều sau để xét các quan làm việc hữu hiệu không: 1. Cầm phòng chế ngự giặc cướp; 2. Khám xét tra hỏi bọn gian phi; 3. Sửa đắp đê điều đường sá; 4. Dò hỏi xem xét nơi quan ải; 5. Bắt lính.

Chúa quy định, mỗi năm cứ đến cuối năm thi hành việc khảo công. Cơ quan tiến hành khảo công là Ngự sử đài, sẽ chia công trạng của các quan ở trấn ty ra 3 bậc: thượng trung và hạ, để phân biệt người hơn người kém.

Việc khảo công đối với các viên đề lĩnh bốn cửa thành trong kinh kỳ, tức viên quan giữ chức tuần phòng cảnh sát trong kinh thành, nhiệm vụ cũng như trấn ty, cũng theo quy định như thế.

Chúa Trịnh Cương lại nhận thấy Cao Bằng là ngoại trấn, việc khảo công nên giản lược một chút, mới quy định việc khảo quan ở trấn này chỉ có bốn điều, gồm: 1. Cầm phòng chế ngự giặc cướp; 2. Trạm đệ công văn; 3. Khám xét tra hỏi bọn gian phi; 4. Trưng thu thuế khóa. Cứ cuối năm khảo công cũng theo thể lệ khảo công các viên quan ở trấn ty.

Bổ sung thêm là một năm trước năm này, phủ chúa Trịnh đã đặt đủ lục phiên để phụ trách hoàn toàn việc triều chính. Trước đó, phủ chúa Trịnh đã đặt 3 phiên là Binh phiên, Hộ phiên và Thủy sư phiên. Đến năm 1718, đặt thêm Lại phiên, Lễ phiên, Hình phiên, Công phiên cùng với Binh phiên, Hộ phiên đã đặt từ trước gọi là Lục phiên. Từ đó, chính quyền trong nước về hết lục phiên, mà lục bộ và lục tự trong cung vua trước đó chỉ còn là hư vị, không còn thực quyền gì hết.

Về vua Lê Dụ Tông, 10 năm sau, nǎm Kỷ Dậu (1729), ông bị An Đô vương Trịnh Cương ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường (sau bị phế làm Hôn Đức công) rồi ra ở cung Càn Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng. Thượng hoàng u uất, không vui, đến tháng Giêng nǎm Tân Hợi (1731), thì qua đời, hưởng thọ 52 tuổi, di hài được đưa về táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Bái Thượng, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Vua Lê Dụ Tông cũng là vị vua triều Lê duy nhất đã được khai quật lăng mộ và di hài được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam suốt từ năm 1964 đến năm 2010, mới được hoàn táng lại, xây lăng mộ mới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo