Nói thật, tôi rất ngại khi về lại xóm Trường (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Ngại vì sợ phải nhớ hình ảnh ngồi chung trên chiếc trực thăng cứu trợ có cả mì tôm lẫn… những cỗ quan tài. Nhớ hình ảnh những người mẹ trẻ tả tơi, táo tác chạy dọc theo các bờ ruộng, con mương, lẩm bẩm "Con ơi, con ở đâu?". Từ ngôi làng trù phú, cách sông Kỳ Lộ khoảng 200 m với 44 nóc nhà, chỉ qua một đêm 2-11-2009, 18 sinh mạng ra đi, xóm Trường bỗng chốc tan hoang.
Nhưng rồi, tôi không thể trốn tránh mãi nỗi sợ.
Ám ảnh những ánh mắt
Người tôi tìm gặp lại đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hùng (người trong xóm hay gọi Hùng Nồi vì sự liều lĩnh). Ông từng được xem là người hùng trong trận lũ năm ấy khi chèo một chiếc sõng câu bé tẹo cứu hơn 20 người mắc kẹt trong nước lũ. Ngày đó, chính người bạn thân nhất của ông cũng phải chửi: "Mày điên, đi lúc này là chết". Nhưng như ông nói, không chịu được khi nghe tiếng khóc, tiếng kêu cứu thất thanh vọng lại từ xóm Trường, dù nhà ông lúc đó nước cũng đang ngập lên nửa vách.
Trẻ con vui chơi ở xóm Trường bây giờ
Vẫn ngôi nhà cũ bên sườn đồi, vẫn cái miệng hơi móm, têu tếu, người đàn ông 61 tuổi này bảo rằng tất cả những danh xưng, bằng khen sau trận lũ ấy cũng vào quên lãng. Duy chỉ có một điều ông nhớ mãi và giấu kín, giờ cần phải nói ra cho nhẹ lòng. "Có 3 người tôi không thể cứu được. Hai mẹ con chị Nhanh và cô Nhung. Mẹ con chị Nhanh thì đu trên bụi tre, khóc thảm thiết, nhìn tôi như cầu khẩn. Còn cô Nhung thì đu trên cây vú sữa, gọi tôi đến khản tiếng. Thế nhưng, nước chảy mạnh quá, tôi không đủ sức chèo lại phía họ với chiếc sõng đã bị gãy bánh lái, dù chỉ cách chừng 10 m. Giá như lúc đó có cây sào để chống" - ông Hùng như nén sự thất vọng với chính mình rồi kể tiếp sau khi ông quay lại thì mẹ con chị Nhanh không còn, bụi tre cũng bị cuốn trôi. Ông bảo ánh mắt vừa cầu cứu vừa như trách móc của mẹ con chị Nhanh cứ ám ảnh ông. Trong cơn đau ruột thừa phải mổ cấp cứu vừa qua, ông lại thấy ánh mắt ấy.
Tôi tìm chị Trịnh Thị Tuyết Nhung - người phụ nữ may mắn còn sống - để kể lại chuyện này. Hóa ra, chị là người mà tôi đã gặp trong cơn táo tác tìm con. Trận lũ ấy, sau khi ông Hùng không thể tiếp cận, chị và chồng may mắn sống sót nhờ lực lượng cứu hộ đến kịp nhưng cha mẹ chồng và 2 con đều bị cuốn trôi cùng ngôi nhà. Nghe về sự day dứt của ông Hùng, chị cười chua xót: "Ông Hùng thiệt là... Lũ lụt mà. Trách sao được".
Không bao giờ quên
Ngày đó, ông Hùng đi cứu người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi và cái áo thun nhưng khi về chỉ còn quần mà không còn áo. Người nhà hỏi, ông không biết nói gì chỉ tủm tỉm cười. Giờ nhắc lại, ông mới nói thật "Cho thằng Phố… tủ chim".
Tôi tìm ông Nguyễn Phố để hỏi. Đêm đó, ông mặc quần đùi và áo khoác cùng vợ con trú trên gác. Nhà sập, nhấn chìm tất cả. Khi ông trồi được và trèo lên cây xoài, vợ con không còn, cái áo khoác và một ống quần đùi cũng mất. Nhìn quanh, ông giật mình khi bà Phạm Thị Mười đang ngồi thom lom trên nóc nhà bị ngập chỉ cách chỗ ông 5 m. Mắc cỡ, ông khép chân, lấy ống quần còn lại che rồi ngồi co ro trên nhánh xoài. "Cứ thế, tôi chịu đựng từ nửa đêm trước đến 3 giờ chiều hôm sau. Đến tè cũng không dám vì sợ bà Mười thấy. Đến khi ông Hùng tới, thấy tôi lạnh cóng nên đưa cho cái áo. Tôi quấn chồng lên cái quần bị rách rồi mới dám lăn xuống sõng. Lúc đó, 2 chân rút lại, không tự mở được, phải dùng tay kéo nó ra" - ông Phố nhớ lại. Đến giờ, ông vẫn ở vậy nuôi cậu con trai duy nhất còn sống sót, không thể vượt qua nỗi ám ảnh vợ và con gái mất để đi thêm bước nữa.
Những người trong đội cứu hộ xã Xuân Quang 2 kể lại trong đêm định mệnh ấy, người được cứu trong tình trạng không mảnh vải che thân nhiều lắm. Chị Nguyễn Thị Bích Phương kể rằng chồng chị ra khỏi nhà 7 giờ tối với quần áo dài để trực bão lũ. Rồi cứ thế biền biệt. "Tôi khóc quá chừng. Chạy khắp nơi tìm nhưng không ai biết ảnh ở đâu. Cứ nghĩ ảnh đã chết. Đến hơn 2 giờ chiều, ảnh mới mò về tới nhà khi trên người chỉ còn mỗi cái quần đùi rách. Đang khóc, nhìn bộ dạng ảnh, tôi cũng phải cười" - chị Phương kể. Tiếp lời vợ, anh Nguyễn Thanh Tuấn bảo rằng có mỗi bộ đồ mặc trên người nhưng cũng phải chia cho người vừa được cứu. Người có áo thì không quần và ngược lại. "Trong chuyến cuối cùng đó, cả 10 người trên chiếc sõng nhỏ. Nước tràn vào. May mà không chìm. Nếu không, giờ giỗ cả đám" - anh Tuấn hồi tưởng.
Kỳ diệu nhất trong những người sống sót ở xóm Trường là em Nguyễn Thành Đô - con trai ông Phố. Năm đó em mới 10 tuổi. Giờ đã là sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH Nha Trang. "Hồi đó người ta bảo em giỏi. Nước lũ cuốn trôi mà đu được trên đống rơm. Giờ em nói thật chỉ nhớ nhà sập. Rồi khi tỉnh lại, em thấy mình nằm trên mớ rều rác. Em chỉ nằm im và kêu cứu nhưng không ai nghe thấy. Rồi mớ rều ấy trôi tấp lên ngọn tre, cách nhà em khoảng 3 km. Em dính lại ở đó. Tới gần 4 giờ chiều hôm sau, người ta mới tới cứu em khi em khóc không còn ra tiếng" - Đô kể. May mắn, bụi tre vướng phải mớ rều có cậu bé Đô chỉ cách nhà bà Nguyễn Thị Tuyết chừng 40 m. Trưa hôm sau, khi nước bắt đầu rút, bà nghe như có tiếng mèo kêu. Bà ra sau nhà xem và thấy trên bụi tre cựa quậy. Bà gọi điện thoại cho chồng làm ở huyện đưa ca-nô lên và cậu bé Đô được cứu.
Nơi ấy bây giờ
Ông Nguyễn Văn Hơn - Bí thư, Trưởng thôn Triêm Đức - cho hay sau trận lũ lịch sử ấy, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ đã hỗ trợ xây lại 44 ngôi nhà khá khang trang cho người dân xóm Trường gần đỉnh núi Hòn Chinh. Xóm Trường ngày trước giờ chỉ canh tác hoa màu, chẳng ai dám ở. "Đến ngủ trưa cũng không ai dám. Sau trận lũ ấy mới thấy đúng là mạng người như bánh tráng nướng treo đầu gậy" - ông Hơn nói rồi bảo mỗi năm ở đây có một ngày đặc biệt. Đó là ngày 16-9 âm lịch. Ngày giỗ của 18 con người đã thiệt mạng. Cả 9 bếp nhà tổ chức giỗ nhưng không ai mời ai và cũng không ai dám vắng mặt. Đó là ngày để nhớ.
Bình luận (0)