Vào những ngày cuối năm, trẻ em luôn được cha mẹ chở đến các điểm vui chơi, giải trí để du Xuân.
Tại Cà Mau, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng số ca mắc mới vẫn còn cao đã khiến không ít phụ huynh lo lắng và chọn phương án cho con trẻ trải nghiệm thú vui dân dã "tại gia" vào dịp Tết Nhâm Dần nhằm đảm bảo sức khỏe cho gia đình cũng như giảm bớt áp lực cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Clip Câu cá rô ngày Tết
Tép, tôm cắt nhỏ để làm mồi câu cá
Bà Nguyễn Kiều Tiên (ngụ huyện Cái Nước, Cà Mau), cho biết gia đình có 2 ao nuôi cá kèo. Tuy nhiên, vào thời điểm thả nuôi do không mua được con giống nên bà chia lại một ít cá rô đồng từ người quen ở huyện U Minh về thả nuôi bán kiếm thêm khoản tiền mua đồ ăn cho những bữa cơm ngày Tết.
"Thấy con cháu không được đi chơi Tết như mọi năm do dịch bệnh nên vợ chồng tôi quyết định không thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu mà để mấy đứa nhỏ trải nghiệm câu cá rồi mới tát ao bán cho thương lái", bà Tiên tâm sự.
Em Nguyễn Quang Huy (15 tuổi; ngụ huyện Cái Nước), cho hay dù không được đi chơi nhưng em và em trai cảm thấy rất vui khi được trải nghiệm câu cá tại nhà dì và còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon chế biến từ cá rô như: kho tộ, canh chua bông súng...
Các em nhỏ háo hức khi được trải nghiệm câu cá những ngày Tết
Em Nguyễn Kiều Mai (10 tuổi) chia sẻ: "Cảm giác cá ăn mồi và dính câu rất sướng, con thấy câu cá còn vui hơn khi được cha mẹ chở đi chơi nhà banh, xe điện đụng".
Nụ cười tươi luôn hiện hữu trên gương mặt ngây thơ của các em khi câu được những con cá rô mề
Chiến lợi phẩm của các em nhỏ vùng quê ở Cà Mau sau một giờ câu cá
Theo lời ông Nguyễn Văn Den và nhiều bậc phụ huynh tại Cà Mau, cho con trẻ trải nghiệm thực tế nhiều sẽ giúp trẻ hình thành sự đam mê về thế giới xung quanh, tạo thái độ tích cực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, còn góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, sở thích của trẻ trong tương lai".
Bình luận (0)