Trên mạng xã hội vừa xuất hiện đoạn clip dài 35 giây được một ngư dân ở huyện Cô Tô (Quảng Ninh) dùng điện thoại ghi lại hình ảnh đàn cá voi gồm 3 con, mỗi con dài hơn chục mét, nặng hàng tấn bất ngờ trồi lên khỏi mặt nước, mặc dù xung quanh có nhiều tàu, thuyền qua lại.
Cá voi vươn miệng lên mặt nước đớp mồi. Ảnh cắt từ clip
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt người xem và người dân, du khách đều ngạc nhiên, thích thú vì sự xuất hiện của đàn cá voi trên biển Cô Tô.
Người đàn ông quay clip trên cho biết: "Thời điểm cá voi xuất hiện là khoảng 15 giờ ngày 22-9. Lúc này, tàu của tôi đang buông câu cách khu vực cá voi xuất hiện khoảng 200 m nên quan sát rất rõ. Thậm chí, có thời điểm, miệng cá voi vươn lên trên mặt nước khoảng 2 m để đớp mồi".
Cũng theo người đàn ông này, đàn cá voi xuất hiện liên tục trong 1 giờ đồng hồ và được ông dùng điện thoại ghi lại.
Theo người dân Cô Tô, gần 2 tháng nay, một đàn cá voi từ 4-5 con thường xuyên xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu thuộc huyện đảo Cô Tô.
Lãnh đạo huyện Cô Tô cho rằng do điều kiện khí hậu và môi trường biển của huyện Cô Tô trong lành nên thời gian gần đây, cá heo, cá voi, rùa biển… quý hiếm thường xuyên bơi vào và nổi lên mặt nước.
Bất ngờ với clip đàn cá voi xuất hiện trên biển Cô Tô
Việc rùa biển, cá heo xuất hiện tại vùng biển này là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển ở huyện Cô Tô đang ngày càng tốt lên, đặc biệt từ khi huyện đẩy mạnh việc làm sạch môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa. Môi trường sạch chính là điều kiện tốt để các loài hải sản, sinh vật biển phát triển. Bởi đặc điểm của rùa biển là thường tìm bãi cát sạch để đẻ trứng vào mùa sinh sản.
Được biết, với đặc tính đa dạng sinh học cao, vùng đảo Cô Tô, đảo Trần là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010. UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý hiếm có tổng diện tích trên 18.400 ha, bao gồm khu bảo tồn trên 13.230 ha và vùng đệm trên 5.184 ha.
Bình luận (0)