Sáng ngày 6-10, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trọng thể Lễ hội Lam Kinh 2023, kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê đăng quang, 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Clip vạn người dự Lễ hội Lam Kinh 2023
Hàng vạn du khách và người dân địa phương đã đổ về khu di tích để dâng hương, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết lễ hội là dịp để ôn lại những trang sử truyền thống hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc và tri ân công đức Thái tổ Cao Hoàng đế - người đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Lam Kinh 2023
Đồng thời, thể hiện sự tri ân, tôn vinh những cống hiến, công lao, sự hi sinh to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ, nghĩa quân Lam Sơn, cùng nhân dân cả nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đánh trống khai hội
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh.
Sau nghi thức rước kiệu, lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã, TP... kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công đức vua Lê Thái Tổ, cùng các bậc tiền nhân, các anh hùng, nghĩa sĩ đã có công lao trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Hình ảnh người dân đổ về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh dự lễ hội năm 2023:
Người dân đổ về Lam Kinh dự Lễ hội Lam Kinh 2023
Người dân và du khách đứng kín khu vực bên ngoài hàng rào an ninh theo dõi các nghi lễ và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật
Nhiều người dân cho biết họ phải gác lại việc đồng áng để tới với lễ hội từ rất sớm
Đây là lễ hội truyền thống tồn tại qua hàng trăm năm nên thu hút rất đông người dân tới dự
Người dân đứng kín quanh khu vực sân rồng theo dõi các tiết mục nghệ thuật
Rất đông người dân không thể vào trong đành đứng phía ngoài theo dõi
Ban Tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2023 bố trí màn hình lớn bên ngoài cho người dân không vào trong được theo dõi phía ngoài khu vực tổ chức
Các đại biểu dự Lễ hội Lam Kinh 2023
Tiết mục nghệ thuật tái hiện nghi thức Hội thề Lũng Nhai
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Lam Kinh 2023
Cuối thu năm 1406, giặc Minh đưa 80 vạn quân chia làm 2 mũi vượt qua biên giới phía Bắc vào xâm lược nước ta, lập nên chế độ cai trị ngoại bang tàn bạo, hà khắc. Với tinh thần yêu nước, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chống quân xâm lược, bảo vệ giang sơn. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc và giành thắng lợi hoàn toàn vào cuối năm 1427.
Sau khi đất nước thanh bình, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Vân Anh Vũ đại vương", khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội), mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.
Sau 6 năm lên ngôi, ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (tức ngày 5-9-1433), vua Lê Lợi băng hà khi mới 49 tuổi. Thi hài ông được đưa về an táng tại Vĩnh Lăng đất Lam Sơn.
Sinh thời, năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh và khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Trải qua hàng trăm năm, những công trình kiến trúc Hậu Lê ở Lam Kinh gần như bị tàn phá chỉ còn lại phế tích là những nền móng, lăng mộ. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh. Trong số đó có Chính điện Lam Kinh, công trình kỳ vĩ bằng gỗ lim, với nhiều hạng mục bên trong được làm bằng vàng thật.
Bình luận (0)