Chiều 16-4, máy bay A321/VN1234 hành trình Phú Quốc - Hà Nội dự kiến khởi hành lúc 17 giờ 10 phút. Lúc này, các thợ máy phát hiện một đàn ong bám vào động cơ máy bay.
Chuyến bay sau đó phải tạm dừng khởi hành để bộ phận kỹ thuật xua đuổi đàn ong khỏi khu vực động cơ máy bay nhằm bảo đảm an toàn.
Đàn ong bám vào động cơ máy bay - Nguồn: CAAV
Sau khi đuổi hết ong, máy bay đã cất cánh về Hà Nội vào 18 giờ 20 phút cùng ngày, chậm hơn 1 giờ so với dự kiến.
Theo các chuyên gia, đây là trường hợp hy hữu. Các vụ máy bay va chạm với chim trong quá trình cất/hạ cánh xảy ra nhiều hơn. Việc va chạm với chim có thể làm có thể làm cong, vỡ cánh quạt của động cơ, thậm chí làm cháy động cơ, lõm mũi máy bay. Có khá nhiều chuyến bay đã phải chậm khởi hành nhiều giờ nếu phát hiện có chim trong động cơ...
Năm 2021, một máy bay của Vietnam Airlines phải cất cánh chậm 45 phút vì đàn chim đậu kín đường băng. Vào tháng 7-2020, cũng tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, một tổ bay cũng phát hiện có chim trên đường băng, sau đó, an ninh hàng không đã xua đuổi 2 con chim ra khỏi khu vực trên.Có chuyến bay từng phải dừng cất cánh cả tiếng vì phát hiện có rắn… trong hộc hành lý khoang khách.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp máy bay phải hạ cánh khẩn cấp vì chim va vào động cơ. Theo Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng hay còn gọi dân dã là dự án “đuổi chim”.
Bình luận (0)