Sáng 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, QH thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết (NQ) của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế (NQ thí điểm). Hiệu lực thi hành dự kiến áp dụng từ ngày 1-1-2022 và có thời hạn 5 năm.
Nhiều chính sách đặc thù về ngân sách, đất đai
Theo tờ trình của Chính phủ, về chính sách dư nợ vay, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; TP Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60%. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, TP do QH quyết định hằng năm.
Về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, TP. Với TP Hải Phòng, hằng năm không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách TP và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Với các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Về định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa - Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện NQ này.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, dự thảo NQ quy định HĐND TP Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của luật.
Ngân sách các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
Về quản lý đất đai, HĐND tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha. HĐND TP Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận tổ Ảnh: Nguyễn Nam
Còn băn khoăn
Bên cạnh việc một số đại biểu (ĐB) băn khoăn về giao thẩm quyền chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa cho HĐND tỉnh, ĐB Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội) băn khoăn việc ban hành NQ thí điểm lần này liệu có tạo ra sự mâu thuẫn với các địa phương khác hay không và sắp tới sẽ có những địa phương khác cũng kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù. "Liệu có tạo ra "phong trào đặc thù" hay không?" - ông Sơn đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, cũng đề nghị cần thận trọng để tránh sự so sánh giữa các địa phương. "Chẳng hạn, Quảng Ninh có biên giới, có biển, có các điều kiện tương tự về địa lý, thiên nhiên giống Hải Phòng nhưng lại không được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ dẫn đến sự so sánh" - ĐB Chính nêu ví dụ. ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo NQ thí điểm chưa cho thấy sự đột phá của các tỉnh, TP khi thực hiện; đồng thời chưa có sự bao quát mà NQ chỉ tập trung vào cơ chế ngân sách, chưa có điểm mới để có thể lý giải cho việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.
Thảo luận tại tổ 3, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa. "Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia" - Chủ tịch QH nói.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch QH cũng nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển. Đồng thời, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác. Còn với các địa phương có khó khăn hơn thì có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác. "Bộ Chính trị đã có các NQ riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo NQ lần này của QH đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các NQ của Bộ Chính trị, NQ của trung ương về các địa phương này" - Chủ tịch QH nói.
Hôm nay (23-10), QH thảo luận ở tổ về Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi); thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021...
Tránh tình trạng khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù
Trong kỳ họp thứ hai QH khóa XV, các ĐB Đoàn ĐBQH TP HCM đã tham gia thảo luận ở tổ về 4 dự thảo NQ thí điểm. Ủng hộ việc thí điểm, tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy chính sách đặc thù và có sự giám sát, tránh lan rộng trở thành "phong trào" khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù. Theo ông Nghĩa, cần phải xác định rõ chính sách đặc thù chỉ nên áp dụng ở các địa bàn có đặc thù. ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng phải có sự giám sát thường xuyên nhằm phát huy cơ chế, chính sách.
Ph.Anh
Bình luận (0)