Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 21-2 đã họp cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý dự thảo (dự thảo) Luật Giáo dục (sửa đổi).
Còn nhiều băn khoăn
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ này đã thu thập hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo. Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Kết quả có 53/63 sở GD-ĐT gửi báo cáo với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, 57 Công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 Công đoàn giáo dục trường đại học...
Trưởng Ban Dân nguyện - UBTVQH, bà Nguyễn Thanh Hải, bày tỏ băn khoăn khi dẫn báo cáo điều tra dư luận của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội chỉ có 52% đồng ý nhưng kết quả lấy ý kiến của Bộ GD-ĐT thì trên 99%. Bà Hải cho rằng tỉ lệ chênh lệch phải chăng là do việc chọn đối tượng để lấy ý kiến. Như chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) lại lấy ý kiến của các giáo sư đại học trong khi đại học không sử dụng SGK mà chỉ có giáo trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga, cũng băn khoăn việc lấy ý kiến nhân dân là gồm những đối tượng nào, phương pháp ra sao, cách thức tổng hợp ý kiến thế nào? Chỉ có 53 sở GD-ĐT góp ý, vậy 10 sở kia đâu? Hay chỉ có 20 trường đại học tham gia góp ý, các trường khác thế nào?... Bà Nga đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và phải tiếp thu.
Thường trực cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVH, GD, TN, TN-NĐ) đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của GD-ĐT. Việc tổng hợp, phân tích ý kiến nhân dân chủ yếu là định tính, chưa phân tích khoa học số liệu thống kê nên sức thuyết phục chưa mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến tại phiên họp
Một nội dung đáng chú ý nữa được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến nhân dân trong dự án là Chính phủ đề nghị quy định cơ chế tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập (so với Luật Viên chức). Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết việc áp dụng chế độ tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập để thu hút sinh viên giỏi học ngành sư phạm, đồng thời giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên hiện nay. UBVH, GD, TN, TN-NĐ cũng đồng tình quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành giáo dục (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức).
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng giáo viên cần có lương ở mức độ ưu tiên, ưu đãi hơn; có chế độ đãi ngộ tốt, mức thế nào tùy khả năng ngân sách nhưng phải ưu tiên. Đặc biệt, sinh viên sư phạm sẽ được bố trí việc làm để yên tâm. Tuy nhiên, cần thắt chặt đầu vào tuyển sinh, thậm chí điểm đầu vào phải rất cao và thêm quy định sinh viên sư phạm ra trường cử tới nơi nào cũng phải đến.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị tuyển giáo viên như tuyển quân nhân vào quân đội. Sinh viên tốt nghiệp là được phân công công việc như quân đội, không phải lo xin việc, lo "chân trong chân ngoài" mới đủ sống. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói vấn đề này đã được Chính phủ thảo luận rất kỹ trước khi đưa vào dự thảo. Sẽ quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và thắt chặt đầu vào các trường sư phạm gắn với biên chế giáo viên trường công và nhu cầu giáo viên trường tư để có số lượng đào tạo phù hợp.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý không nên có chế độ tuyển dụng riêng với bất cứ ngành nào vì sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật tuyển dụng theo Luật Viên chức, song cũng cần có chính sách phân công việc làm cho sinh viên sư phạm để thu hút.
Chưa nên có nhiều bộ SGK
Một nội dung lớn được lấy ý kiến là chương trình giáo dục phổ thông và SGK. Về nội dung này, UBVH, GD, TN, TN-NĐ cho biết cơ bản tán thành với Chính phủ nhưng đề nghị nghiên cứu, tiếp thu thêm một số ý kiến của nhân dân và cụ thể hóa thành các quy định trong dự thảo luật về SGK điện tử, vấn đề xã hội hóa biên soạn SGK để thuận lợi cho người học trong việc sử dụng SGK, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ủng hộ chủ trương một chương trình - nhiều bộ SGK nhưng đề nghị có lộ trình và lấy thêm ý kiến nhân dân sâu rộng, đặc biệt là cấp tiểu học. Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tinh thần là một chương trình - nhiều bộ SGK nhưng cũng cần có lộ trình thực hiện phù hợp. Đến thời điểm nhận thức của người dân, xã hội được nâng lên thì mới tính đến một chương trình - nhiều bộ SGK.
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Sẽ có hỗ trợ học phí
Về chính sách học phí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay đã được Chính phủ bám sát Hiến pháp và xu thế thế giới. Việc hỗ trợ học phí đối với học sinh các cơ sở dân lập, tư thục chỉ áp dụng đối với những nơi nhà nước miễn học phí và đây là hỗ trợ chứ không phải chi trả toàn bộ học phí. Mức hỗ trợ tối đa là bằng học phí ở các trường công kèm theo điều kiện địa phương không đủ trường công để học chứ không phải hỗ trợ toàn bộ.
Bình luận (0)