Bắt đầu từ ngày 20-1-2019, các quận - huyện bắt đầu thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được chủ tịch UBND TP HCM ủy quyền. Ghi nhận ở các quận - huyện cho thấy việc ủy quyền đã rút ngắn được quy trình, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ động và trách nhiệm hơn
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Nội vụ quận 1, cho biết có tổng cộng hơn 20 đầu việc mà TP ủy quyền cho cấp quận. Ngay sau khi tiếp cận các quyết định của TP cũng như các hướng dẫn của sở - ngành, UBND quận 1 đã tiến hành rà soát pháp lý để việc thực hiện ủy quyền diễn ra trôi chảy. Song song đó, quận cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để giúp UBND quận thực hiện tốt quyết định ủy quyền của UBND TP.
Bà Tuyết đánh giá sau 5 tháng thực hiện ủy quyền, địa phương thuận lợi và chủ động hơn khi giải quyết công việc, đặc biệt là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp cũng như chế độ chính sách cán bộ, công chức, người lao động. "Thời gian giải quyết công việc, thủ tục, hồ sơ nhanh hơn khi quy trình được rút ngắn" - bà Tuyết khẳng định.
Nhờ có cơ chế ủy quyền mà quận đã thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch để tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với 2 trường hợp; ban hành quyết định nghỉ hưu đối với giám đốc, chủ tịch HĐTV Công ty Dịch vụ công ích; ra các quyết định công nhận xét tuyển đặc cách cán bộ, công chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập… Theo bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, trước đây, những đầu việc này quận phải gửi về Sở Nội vụ để trình chủ tịch UBND TP, giờ thì quận làm luôn nên rút ngắn được quy trình, thời gian rất nhiều.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết cũng cho hay hiện quận đang thực hiện nội dung ủy quyền cho chủ tịch UBND 10 phường ký các quyết định hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng. Theo đó, thay vì đến UBND quận, trực tiếp là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện các thủ tục như trước, thì người dân chỉ đến phường nên nhanh hơn, thuận tiện hơn; phường quản lý được đối tượng, nguồn nằm trong chính sách này được tốt hơn, đồng thời giảm tải được áp lực cho chính quyền cấp trên.
Tại quận 10, việc ủy quyền bước đầu cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Trưởng Phòng Nội vụ quận 10 Trương Hoài Phong dẫn chứng như việc nâng lương, khi được ủy quyền thì quận không phải trình lên Sở Nội vụ nên cán bộ, viên chức rất hài lòng vì nhanh và thuận lợi... "Chính vì việc phân chia đầu việc, giảm bớt khâu trung gian như thế nên thời gian giải quyết công việc được rút ngắn. Điều này mang lại lợi ích lớn, góp phần làm giảm chi phí hành chính cùng thời gian chờ đợi của cá nhân, tổ chức" - ông Phong khẳng định và cho biết việc ủy quyền còn làm tăng trách nhiệm của người cán bộ, bởi nhiều đầu việc không chỉ dừng lại ở công tác tổng hợp, đề xuất.
Kể từ khi được ủy quyền hơn 20 đầu việc, quận 1 (TP HCM) đã chủ động hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng như công tác nhân sự của địa phương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh thuận lợi, theo phản ánh của các quận - huyện, những nhiệm vụ mới được TP ủy quyền cho cấp quận, huyện liên quan nhiều đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, trong khi đó nhân sự có chuyên môn, am hiểu các lĩnh vực kể trên lại không phải quận - huyện nào cũng đáp ứng đủ.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết nhìn nhận việc ủy quyền có chút khó khăn khi đầu việc tăng mà nhân sự tại chỗ chưa đáp ứng nên tạo áp lực nhất định đối với cán bộ, công chức. "Tuy nhiên, TP đang thực hiện Nghị quyết 54, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức nên giải quyết được phần nào câu chuyện nhân sự. Việc này đã tạo động lực cho anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng về lâu dài cũng cần tính toán" - bà Tuyết bày tỏ.
Trước câu chuyện khó khăn về nhân sự để thực hiện ủy quyền, ông Trương Hoài Phong cho rằng phía quận đang tính toán để cân đối. Khi thực hiện ủy quyền, cán bộ, công chức quận đều nhận thức rõ sẽ tăng việc ở những nội dung liên quan.
Theo Sở Nội vụ TP, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, UBND TP đã ban hành nhiều quyết định về phân cấp, ủy quyền cho các sở - ngành, UBND quận - huyện, nhất là các lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính. Việc ủy quyền này đã tạo điều kiện cho các sở - ngành, UBND các quận - huyện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn ít và chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ nên có sự lúng túng trong việc ủy quyền và nhận ủy quyền. Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, cán bộ, công chức, viên chức… nên chưa phát huy vai trò chủ động trên các lĩnh vực khác.
Đẩy mạnh giám sát để tránh lạm quyền
Theo một số luật sư, khi thực hiện cơ chế ủy quyền, cần lưu ý nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo địa bàn, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ngành với UBND quận, huyện. Đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, nghĩa là việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Còn theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, khi ủy quyền, cần tránh 2 việc là ôm đồm và "bán cái". Ông Sơn lưu ý: "Sau khi ủy quyền xong phải có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả cũng như tránh lạm quyền. Nếu không hiệu quả thì phải kịp thời điều chỉnh".
Bình luận (0)