Nhiều người dân di cư tự do (DCTD) khi đến khu vực Tây Nguyên không có điều kiện mua đất, phải lấn đất rừng trái phép để canh tác, gây khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ rừng.
Độ che phủ rừng giảm nghiêm trọng
Cách không xa trung tâm xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, có một chiếc cổng gỗ sơn đỏ tên thôn Cao Lạng. Theo người dân địa phương, những người di cư đặt tên thôn là để nhớ về quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn. Ông Nông Văn Thường (một người dân DCTD) kể năm 1999, vùng đất Ia Lâu còn hoang sơ, ông đã đưa vợ con rời quê vào đây, sau đó thông báo cho 15 hộ là người thân ở quê của ông vào lập nghiệp. Một cán bộ xã Ia Lâu nhớ lại năm 2014, có khoảng 80 hộ dân người Dao đến đây và chính quyền địa phương mất 1 tuần để vận động họ quay về quê cũ.
Theo ông Thường, ban đầu gia đình ông khai hoang được khoảng 5 ha đất để canh tác nhưng sau đó số đất này bị thu hồi, ông được đền bù 60 triệu đồng và 1 ha đất. Ông tiếp tục mua và khai hoang được 5 ha đất khác hiện đã trồng điều. Cũng như ông Thường, các anh em của ông cũng tìm mọi cách để có đất sản xuất. "Đến bây giờ không phải lo ăn từng bữa nhưng tài sản trong tay vẫn chưa có gì mà đang nằm trên đất cả" - ông Thường nói.
Ông Trương Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, cho biết tình trạng di dân nóng nhất là từ năm 2000-2005, khi đó không chỉ lực lượng kiểm lâm mà các cơ quan, đoàn thể khác hằng ngày đều phải cử người đi tuần tra để ngăn chặn người dân xâm hại rừng. Tuy nhiên, tình trạng người dân lấn chiếm vẫn âm thầm diễn ra. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, người dân đã tự nguyện kê khai hơn 26.500 ha đất rừng lấn chiếm. Trong số đó, diện tích đã trồng lại rừng là hơn 12.900 ha. Ở một số địa phương, khi triển khai công tác thu hồi đất để trồng rừng gặp sự chống đối của người dân.
Tại Đắk Lắk, theo Kiểm toán Nhà nước từ năm 2014-2016, tình trạng rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp quản lý bị mất vẫn tiếp tục gia tăng. Hết năm 2016, diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp quản lý bị mất ước tính lên đến 64.237 ha. Từ năm 2012-2017, hơn 11.000 ha rừng trung bình tại Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp (huyện Ea Súp) đã chuyển thành rừng nghèo và nghèo kiệt, trữ lượng gỗ mất tới hơn 1,9 triệu m3. Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, tổng thiệt hại về rừng ở Đắk Lắk lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy hiện hơn 80% trong số dân DCTD tới các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ yếu là tự phát. Riêng tỉnh Lâm Đồng, số người di cư chủ yếu tập trung tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh... Đa số cuộc sống khó khăn họ phải bám vào rừng sâu phá rừng lấy đất sản xuất. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%, trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực "rừng giàu" đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.
Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết năm 1993, đơn vị này phát hiện 7 hộ dân người H’Mông vào phá rừng để sản xuất tại tiểu khu 540, thuộc lâm phần của công ty này. Dù công ty đã gửi rất nhiều văn bản đề nghị chính quyền di dời dân, ngăn chặn tình trạng phá rừng nhưng không được. Theo thống kê, đã có hơn 1.500 ha đất rừng bị lấn chiếm.
Người dân di cư tự do tại làng H’Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đốt rừng làm nương rẫy. Ảnh: CAO NGUYÊN
Linh hoạt giải quyết di cư tự do
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chỉ tính riêng giai đoạn 2005-2017, tổng số hộ DCTD cả nước kiểm đếm được khoảng 66.700 hộ, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Dù đã có nhiều chính sách nhằm ổn định cuộc sống cho người dân DCTD nhưng hiện vẫn còn khoảng 24.500 hộ/100.000 khẩu chưa được bố trí, sắp xếp ổn định theo các dự án; nhiều dự án bị chậm tiến độ, dở dang.
Trong những năm qua, để giải quyết tình trạng dân DCTD trên địa bàn, huyện Đam Rông đã lập quy hoạch và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt 4 điểm định canh, định cư, với mức tổng đầu tư trên 134 tỉ đồng sắp xếp, bố trí ổn định đời sống cho trên 538 hộ/2.753 nhân khẩu dân DCTD tập trung ở xã: Rô Men, Phi Liêng và Liêng Srônh.
Tại tỉnh Đắk Nông có 38.100 hộ/173.000 khẩu dân DCTD sống trong rừng. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã lập và thực hiện 16 dự án nhằm sắp xếp cho hơn 10.000 hộ với tổng số vốn được phê duyệt là 1.530 tỉ đồng. Trong 1.285 tỉ đồng ngân sách trung ương đến nay chỉ mới bố trí được 476 tỉ đồng nên 12 dự án còn dở dang. Tại Đắk Lắk, dân DCTD rất lớn, hơn 59.700 hộ/290.000 khẩu từ 60 tỉnh - thành đến trong giai đoạn 1976-2018. Từ năm 2006, tỉnh đã lập 17 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định đời sống cho 6.527 hộ/32.635 khẩu. Trong đó, 13 dự án đã được triển khai nhiều năm nhưng chưa có dự án nào hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại một hội nghị về giải pháp ổn định dân DCTD vừa diễn ra ở Đắk Lắk, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đề nghị trung ương sớm bố trí vốn để tỉnh lồng ghép các nguồn vốn khác giải quyết dứt điểm các dự án. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cho phép chuyển một số diện tích đất rừng nghèo kiệt để bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân DCTD. Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cũng đề nghị Chính phủ sớm bố trí vốn để thực hiện 13 dự án chưa hoàn thành và cân đối vốn 4 dự án với tổng kinh phí khoảng 200 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giải quyết vấn đề DCTD ở các địa phương không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. "Trước mắt, trong năm 2019-2020 sẽ bố trí khoảng 2.500 tỉ đồng để hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí dân DCTD. Đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân DCTD và hoàn thành việc sắp xếp, bố trí theo quy hoạch, bảo đảm đời sống người dân ổn định, phát triển bền vững" - Thủ tướng chỉ đạo.
Quy trách nhiệm địa phương có người di cư
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, để giải quyết những bất cập về DCTD, những tỉnh có người dân khó khăn nếu có nguyện vọng di cư thì tỉnh đó phải xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Lắk để thực hiện. Đồng thời, quy định trách nhiệm của địa phương có dân DCTD, của các bộ - ngành, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết dân DCTD.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-12
Bình luận (0)