xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có dẹp được lễ hội xấu xí?

Hoàng Lan Anh

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, theo hướng các lễ hội có yếu tố phản cảm, bạo lực sẽ không được tổ chức

Theo dự kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), nếu được đồng ý, nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sẽ được thực hiện ngay từ mùa lễ hội tới. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết bộ xây dựng nghị định này vì trong thực tế, có những lễ hội chỉ chú trọng đầu tư hình thức, quy mô mà chưa bảo đảm nội dung; một số lễ hội duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, chưa phù hợp xu thế thời đại.

Phô trương, trục lợi

Mỗi năm, nước ta có hơn 8.000 lễ hội. Trong đó, nhiều lễ hội có những hình ảnh xấu xí, không đẹp mắt như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc hoặc mang nhiều yếu tố bạo lực như chém lợn (Bắc Ninh), cướp phết Hiền Quan hay đập đầu trâu (Phú Thọ)... Gần đây, lễ hội chọi trâu truyền thống tại Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đã để xảy ra việc trâu húc chết chủ.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, công tác bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh ở nhiều lễ hội còn yếu; cảnh ùn tắc giao thông, chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, cờ bạc trá hình... còn phổ biến. Chưa hết, việc nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức tùy tiện, không đúng nơi quy định hay nạn ăn xin vẫn tồn tại. Bà Thủy nhấn mạnh: Đang xuất hiện xu hướng tự nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội quốc gia, quốc tế, thương mại hóa, làm giảm tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.

Có dẹp được lễ hội xấu xí? - Ảnh 1.

Lễ hội đâm trâu phục vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nêu rõ một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí, phô trương, nặng hình thức; chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và các giá trị văn hóa dân gian vốn có ở địa phương. Hiện tượng thương mại hóa, coi trọng mục tiêu về kinh tế khi tổ chức đã dẫn đến nhận thức sai lệch về lễ hội. Nhiều nơi coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế và dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống; không coi trọng vai trò cộng đồng, không chú trọng ý nghĩa văn hóa tinh thần, tác dụng giáo dục văn hóa truyền thống. Vì vậy, cần ban hành cơ chế xử lý, ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng lễ hội để thương mại, trục lợi.

Bà Trịnh Thị Thủy cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động lễ hội chưa đầy đủ, đồng bộ. Hiện nay, có nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động lễ hội nhưng phần lớn là văn bản chỉ đạo, chưa được luật hóa, do đó việc áp dụng trong thực tế rất khó khăn, bất cập. Trong một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao như luật, nghị định cũng có nội dung quy định đối với hoạt động lễ hội nhưng còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, toàn diện, chưa phù hợp tình hình và sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình lễ hội hiện nay. Văn bản có tính áp dụng thường xuyên nhất mới chỉ dừng lại ở hình thức thông tư của Bộ VH-TT-DL.

Không thương mại hóa

Theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, phạm vi điều chỉnh của nghị định lần này bao gồm: lễ hội dân gian; lễ hội lịch sử, cách mạng; lễ hội VH-TT-DL và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

Các hoạt động lễ hội sẽ được cấp phép khi đáp ứng những yêu cầu: trong hoạt động lễ hội không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; bảo đảm nội dung phần nghi lễ và các hoạt động khác trong khuôn khổ của lễ hội không chứa đựng nội dung thể hiện sự kích động bạo lực, truyền bá hành vi tội ác trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Nội dung, hình thức lễ hội không được tuyên truyền mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú và các hiện tượng tương tự khác. Các địa phương, đơn vị không được lợi dụng tổ chức lễ hội để thương mại hóa nhằm trục lợi cá nhân.

Theo dự thảo nghị định, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cấp giấy phép đối với lễ hội VH-TT-DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy phép đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cấp giấy phép đối với lễ hội dân gian cấp tỉnh. Bộ VH-TT-DL cũng dự kiến hồ sơ xin cấp phép tổ chức phải có các tài liệu lịch sử hoặc văn bản chứng minh nguồn gốc, lịch sử lễ hội (đối với lễ hội dân gian cấp tỉnh).

Theo kế hoạch, sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định và cho ý kiến, dự thảo nghị định nêu trên sẽ được trình Chính phủ xem xét, thông qua vào cuối năm, trước mùa lễ hội năm 2018.

Trước quan điểm muốn tổ chức lễ hội phải được cơ quan quản lý cấp phép, một nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận: "Bản chất của việc tổ chức lễ hội là hoạt động sinh hoạt tinh thần của cộng đồng với vai trò chủ thể là cộng đồng dân cư địa phương. Vai trò của cộng đồng trong lễ hội đã được chứng minh qua quá trình lịch sử. Vì vậy, lễ hội của nhân dân thì nên giao cho nhân dân tổ chức".

Không thể thả nổi

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, về mặt quản lý nhà nước, việc cấp phép tổ chức lễ hội là rất cần thiết. Lễ hội không đơn giản là di sản văn hóa mà còn là hoạt động mang tính cộng đồng và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội. Lễ hội giờ không còn là lễ hội làng quê, không phải ai muốn làm gì thì làm.

Nhà nghiên cứu này nêu quan điểm: "Nhiều người đang nương theo khẩu hiệu du lịch tâm linh, thương mại hóa để kiếm tiền cho địa phương và cá nhân. Phải thẳng thắn nhìn nhận thương mại không xấu, bởi di sản đem lại giá trị thương mại là chuyện bình thường nhưng nếu hành vi đó gây ảnh hưởng tới xã hội thì cần quản lý cụ thể bằng luật. Chúng ta không thể thả nổi tự nhiên để thích làm gì thì làm, "chặt chém", tăng giá vô độ, bày ra trò chơi dân gian như chọi trâu thành hình thức cờ bạc, đánh cược thương mại. Đến lúc chúng ta phải kiểm soát hành vi đó. Không nên duy trì những lễ hội không còn phù hợp. Mỗi giá trị văn hóa sinh ra đều có thời điểm phù hợp, đặc biệt là hành vi tín ngưỡng, đả thương hay sát sinh".

Linh Nga Niê Kđăm - nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên:

Cần nhìn đúng bản chất

Cần có cái nhìn đúng bản chất về lễ hội rồi mới tính đến việc cấm hay không cấm một lễ hội nào đấy. Điển hình như lễ hội ăn trâu (đâm trâu) ở Tây Nguyên, thực hiện theo ý thức cộng đồng. Tháng 5-2017, tôi dự một lễ bỏ mả Jrai, ăn 2 con bò. Bà con chỉ cột bò tại chỗ, báo thần linh, múa tập thể rồi đâm lấy huyết, xong mang đi nơi khác mổ, không có gì tàn bạo. Hiện phần lớn lễ này thực hiện do có cơ quan, đơn vị tài trợ hoặc cơ sở du lịch thuê tiến hành tại địa điểm của mình để thu hút khách. Du khách và người hiếu kỳ đổ xô đến chụp ảnh chỉ nhằm những cảnh máu me rồi lên án là tàn bạo, dã man. Thực tế, đa phần các lễ hội là phải có tài trợ, nhất là ngành văn hóa, trong kế hoạch gọi là "phục dựng, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng". Chỉ nên cấm những hoạt động lễ hội không đúng bản chất, mô tả nhiều cảnh máu me để câu khách.

TS Nguyễn Văn Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển:

Biến tướng thành "hủ tục"

Nhiều lễ hội không còn ý nghĩa nguyên thủy mà biến tướng thành các "hủ tục" với những cảnh đầu rơi, máu chảy gây nhiều tranh cãi. Tôi ủng hộ quan điểm của bộ trưởng Bộ VH-TT-DL là không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc. Cũng không nên để xảy ra những hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Văn hóa và phong tục truyền thống nếu hay thì gìn giữ nhưng tàn nhẫn như đâm trâu, chém lợn thì phải loại bỏ. Xã hội quá nhiều cảnh bạo lực nên không cần thêm bạo lực trong các lễ hội nữa.

GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa:

Ứng xử bằng sự hiểu biết

Quản lý lễ hội là giữ gìn sự trong sáng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Người làm văn hóa đưa ra những chính sách này bởi họ muốn giữ lại văn hóa của tổ tiên cho mai sau. Nếu cứ để người ta biến lễ hội thành nơi để kinh doanh thì con cháu sau này còn lại gì?

Những người thực hiện lễ hội nếu có tâm thì lễ hội sẽ tốt đẹp. Cần ứng xử bằng sự hiểu biết. Lễ hội phải tổ chức trên cơ sở bản sắc, nằm ngoài bản sắc thì sẽ bị "thổi còi", có biến tướng thì xử lý. Tôi rất ủng hộ việc các cơ quan quản lý vào cuộc quản lý lễ hội.

L.Anh - C.Nguyên ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo