Sáng 1-6-2009, tôi cùng nhóm bạn lớp báo chí K06 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đến thực tập tại Báo Người Lao Động. Trong khi các bạn chọn mảng thời sự, giáo dục thì tôi chọn mảng "sát sườn" với đối tượng của báo là việc làm tại Ban Công đoàn. Và đây chính là những viên gạch đầu tiên lót đường cho tôi vào nghề báo.
"Viết sai một xíu cũng tiêu nha em!"
Theo dõi mảng việc làm khoảng 2 năm, tôi được điều động sang một lĩnh vực khác mà chưa từng nghĩ đến là chính trị, để rồi trải nghiệm từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có hạnh phúc vỡ òa, cũng không ít kinh nghiệm "đau thương". Khi ấy, Trưởng Ban Công đoàn là chị Nguyễn Thị Lệ Thủy nắm tay tôi động viên "chị tin em sẽ làm được". Mang theo niềm tin ấy, tôi chập chững bước vào mảng mà các đồng nghiệp đi trước thường nói: "Viết sai một xíu cũng tiêu nha em". Còn chưa hết bỡ ngỡ thì tôi được giao đề tài "to đùng" - viết về Trung ương Cục miền Nam, không phải một bài mà là loạt bài. Hay tin nhiều báo khác cũng tổ chức viết về đề tài này, tôi càng thêm lo. Nhiều lần tôi hỏi lại "sếp": "Giao em thiệt hả?". "Không giao em thì giao ai" - chị Lệ Thủy trả lời, không quên động viên: "Em cứ yên tâm làm đi, phía sau còn có chị và các anh trên Tòa soạn". Tôi tự nhủ: "Cố lên".
Phóng viên Phan Anh nhận giải báo chí TP HCM năm 2019ảnh: Hoàng Triều
Sau đó, loạt bài được đăng trên Báo Người Lao Động đã mang lại trong tôi cảm xúc rất lớn. Lúc ấy, tôi "ngấu nghiến" đọc đi đọc lại rất nhiều lần và thật sự hạnh phúc khi "đứa con" tinh thần đầu tiên ở mảng chính trị của mình được "ra đời". Rồi chính loạt bài ấy đã mang về cho tôi giải Nhì Báo chí TP HCM năm 2012. Nhiều anh chị, bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng, còn tôi tự nhủ: "Ít nhất thì mình đã làm được". Giải thưởng lớn đầu tay ấy đã cho tôi niềm tin vào mình, vào nghề.
Nghiêm túc với nghề
Giải Nhì Báo chí TP HCM năm 2012 như phát pháo đầu tiên giúp tôi bén duyên, đoạt được nhiều giải thưởng báo chí TP trong những năm tiếp theo. Hầu hết những tác phẩm tôi đoạt giải đều viết về xây dựng và phát triển TP HCM. Trong những năm qua, khi Đảng bộ và nhân dân TP HCM ra sức xây dựng TP thành một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, nhiều chương trình đột phá được triển khai, các cấp - ngành tập trung thực hiện. Lãnh đạo TP HCM vận động toàn dân hiến kế, chung tay xây dựng và phát triển TP.
Bản thân tôi đã cho ra đời những tác phẩm phản ánh dòng chảy ấy của TP HCM và may mắn có thêm các tác phẩm đoạt giải, như: "TP HCM: 40 năm bừng sáng", tôi viết cùng các anh chị đồng nghiệp Dương Quang - Thanh Nhân - Thái Phương - Sơn Nhung - Thùy Vinh, đoạt giải B năm 2014-2015; "Thành phố nghĩa tình", tôi được tham gia cùng những cây bút lão làng như cô Nguyễn Thị Hậu - chú Trần Trọng Thức và các đồng nghiệp Hồng Đào - Thanh Nga - Hồng Nhung, đoạt giải nhất năm 2015-2016. Hay như giải B công trình tập thể với tác phẩm "Hướng tới đô thị thông minh", viết cùng một số tác giả khác…
Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề để mưu sinh. Với tôi, khi đã chọn nghề báo là phải chấp nhận đối mặt với những khó khăn, thử thách để viết và cho ra đời những tác phẩm phục vụ độc giả. Sau 10 năm rời ghế giảng đường là một chặng đường không ngắn nhưng con đường nghề còn rất dài ở phía trước. Nếu trước đây, tôi hay được thầy cô và các bậc tiền bối nhắc đến cụm từ "yêu nghề" thì nay, tôi muốn chọn hai từ "nghiêm túc" để nói về công việc mình đang làm. Bởi tình "yêu nghề" có thể sẽ nhạt phai theo năm tháng nhưng bằng sự nghiêm túc, tôi vẫn nắn nót từng câu chữ khi viết tin bài, vẫn luôn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm với độc giả và với chính bản thân.
Những cảm xúc mãnh liệt không tên
Cuộc đời của người làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi. Có những chuyến đi sẽ đọng lại trong ta những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là vào những ngày đầu năm 2013. Khi ấy, tôi mới chính thức làm ở Báo Người Lao Động được một năm và xung phong đi Trường Sa.
Đó là chuyến đi cho tôi một trải nghiệm làm nghề rất khác. Với tôi, được tham gia chào cờ, hát Quốc ca và xem nghi thức duyệt binh dưới cột mốc chủ quyền với 4 mặt là cờ Tổ quốc tại đảo Song Tử Tây đem đến nhiều cảm xúc nhất mà đến giờ, 8 năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên.
Trong cuộc đời mình, đã mấy trăm lần tôi hát Quốc ca. Cũng bài Quốc ca đó, cũng màu cờ đó nhưng khi hát ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa, trong tôi những cảm xúc mãnh liệt không tên cứ trào dâng mạnh mẽ: sự vĩ đại của dân tộc, đất nước mình và tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận (0)