Ngày 22-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều đồng tiền mất giá rất mạnh so với đồng USD
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về một số nội dung: Tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội; 3 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật Công chứng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để trình Quốc hội.
Đáng chú ý, tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát có xu thế tăng cao, ngân hàng trung ương của nhiều nước tăng lãi suất, tác động tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20 và 21-9 (đưa lãi suất điều hành lên mức 3% - 3,25%). Phản ứng trước động thái này, nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam đều tăng lãi suất (trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã tăng lãi suất 0,75%)… và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất. Thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022 Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết các chỉ tiêu nông nghiệp sẽ đạt yêu cầu đề ra trong năm nay, trong đó có chỉ tiêu xuất khẩu nông sản khoảng 50 tỉ USD, bởi bên cạnh những tác động tiêu cực từ tình hình thế giới thì cũng có những tác động tích cực như hiệp định EVFTA đã phát huy hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 22-9.Ảnh: NHẬT BẮC
Đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc các nước tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng nêu rõ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, phải đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực. "Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất - kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu. Làm tốt công tác quy hoạch, rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề phát sinh và các vấn đề tồn đọng một cách hiệu quả.
Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần tiếp tục phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực - thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp. Yêu cầu chung là "làm đủ ăn và có xuất khẩu". Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng...
Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTA và hội nhập. Bộ Xây dựng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Tăng một loạt lãi suất điều hành từ hôm nay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành các quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 23-9.
Cụ thể, theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN, lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.
Theo Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014 quy định như sau: Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.
D.Ngọc
Bình luận (0)