Hội đồng Thẩm định TP HCM vừa cho biết dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) đã đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Vốn đầu tư tăng gần 3,5 lần
Khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất với các "điểm nóng" như vòng xoay Lăng Cha Cả cùng các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh… đang quá tải trầm trọng. Vào giờ cao điểm, trên các tuyến đường này, dòng xe luôn ken đặc. Năm 2016, dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đã được thông qua chủ trương đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Đến cuối tháng 7-2019, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với nhiều thay đổi về quy mô, tổng mức đầu tư tăng lên 4.850 tỉ đồng bằng ngân sách TP, thực hiện trong giai đoạn 2019-2024.
Đường Cộng Hòa - một trong những tuyến thuộc khu vực phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải
Nguyên nhân điều chỉnh được diễn giải là theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, nhà ga T1 và T2 hiện hữu sẽ được nâng cấp, mở rộng để đạt công suất 30 triệu hành khách/năm. Đồng thời, nhà ga T3 sau khi xây mới sẽ có công suất 20 triệu hành khách/năm. Việc tăng công suất lên gần 50 triệu hành khách/năm sẽ gia tăng áp lực giao thông tại khu vực sân bay, đặc biệt là nguy cơ kẹt xe trầm trọng trên các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn... Vì vậy, theo Hội đồng Thẩm định TP, phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án.
Theo phương án đưa ra, tuyến đường nối này sẽ có chiều dài hơn 4 km, bắt đầu từ nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện kéo dài tới đường Cộng Hòa, chiều rộng mặt đường từ 29,5 m đến 48 m. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng 2 hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý và cầu vượt trước khu vực nhà ga T3 kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Quá trình thẩm định cho thấy dự án phù hợp với các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đây là dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Xét về hiệu quả kinh tế, tuyến đường giao thông phục vụ kết nối nhà ga hành khách T3 (thuộc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện có, bảo đảm giao thông liên tục, giảm ùn ứ giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cần thiết nhưng khó giảm kẹt xe
Theo một số chuyên gia giao thông, trong bối cảnh hiện nay, phương án nêu trên là cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định trục đường mới kết nối với nhà ga T3 khi xây dựng không chỉ phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho nhà ga này mà còn cho giao thông đô thị xung quanh, chia tải với đường Cộng Hòa. Vì vậy, quy mô của tuyến đường này tối thiểu cần 6 làn mới và tuyến đường mới cần được quy hoạch, thiết kế có tầm nhìn kết nối với các tuyến metro trong tương lai.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, đánh giá để giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sau khi được mở rộng, việc thực hiện nhanh và đồng bộ các dự án giao thông xung quanh là đặc biệt cần thiết. Tuyến đường nêu trên chạy song song sau đó kết nối lại với đường Cộng Hòa sẽ giúp chia bớt lượng xe, giảm áp lực giao thông trên tuyến đường vốn đang quá tải nghiêm trọng này.
"Vấn đề đáng lo ngại là khi sân bay được mở rộng về phía Nam cũng sẽ thu hút rất lớn nhu cầu đi lại trên các trục giao thông hướng này. Vì vậy, việc tăng khả năng kết nối cũng tỉ lệ thuận với sự gia tăng áp lực giao thông, cần có các phương án để quy hoạch đồng bộ" - TS Võ Kim Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng phương án trên mang tính chất cục bộ bởi chỉ giải quyết được giao thông từ sân bay đi ra bên ngoài, khó cải thiện được áp lực giao thông của cả khu vực xung quanh. Với công suất đang khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, các trục đường chính khu vực phía Nam như Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám… đã chịu sự quá tải. Trong khi theo quy hoạch chi tiết, nhà ga T3 khi hoàn thành và khai thác sẽ đáp ứng được 20 triệu lượt hành khách/năm - chiếm hơn nửa công suất của 2 nhà ga T1 và T2 cộng lại, kéo theo nhu cầu đi lại sẽ rất lớn, càng dồn tới các tuyến đường ở khu vực và áp lực giao thông càng thêm nặng nề là điều khó tránh khỏi.
Thêm 2 dự án giảm tải kẹt xe phía Nam sân bay
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, để cải thiện tình hình giao thông cho khu vực trên, một số dự án khác cũng đang được triển khai như nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (nằm trên địa bàn 2 quận Tân Bình và Tân Phú).
Những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn do là trục chính kết nối từ cửa ngõ phía Tây Bắc TP HCM đến các tuyến xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng như khu vực trung tâm. Hiện 2 tuyến đường này cũng thường xuyên trong tình trạng ùn ứ nên khi sân bay được mở rộng, áp lực giao thông sẽ càng tăng cao. Tuy nhiên, 2 dự án này đang chờ giải phóng mặt bằng. Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng trên chiều dài 904 m, rộng 60 m với 10-12 làn xe lưu thông. Trong đó, vốn xây lắp của dự án này chỉ hơn 100 tỉ đồng, còn lại là đền bù giải phóng mặt bằng.
Còn đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa, dài 644,5 m, rộng 30 m, 6 làn xe, tổng mức đầu tư 742,1 tỉ đồng. Trong đó, 41,5 tỉ đồng là xây lắp, còn lại là đền bù giải tỏa.
Bình luận (0)