Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại ngày 8-2 khi đang có mặt tại Fruit Logistica 2020 - Hội chợ triển lãm và bán buôn các sản phẩm hoa quả tươi lớn nhất thế giới tổ chức tại Berlin (Đức), ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết các gian hàng Việt Nam đã tiếp đón nhiều lượt khách hàng châu Âu. Đây đều là những khách hàng đang và dự kiến nhập trái cây, rau củ… của Việt Nam.
Dư địa lớn cho tất cả
"Lần thứ 2 có mặt tại hội chợ lớn nhất thế giới về rau quả, tiếp xúc với nhiều đối tác đến từ Đức và châu Âu, là cơ hội quan trọng để quảng bá sản phẩm với thế giới" - ông Nguyên nói và thông tin đơn hàng thu nhận từ hội chợ năm nay đã nhiều gấp đôi so với năm trước dù gian hàng Việt Nam nằm ở vị trí khá khiêm tốn do không có nhiều chi phí đầu tư.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hội chợ còn có ý nghĩa lớn trong việc đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu các mặt hàng trái cây, rau quả của Việt Nam vào EU trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới. "Thuế suất hạ về 0% là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, rau ăn lá… Với quy mô xuất khẩu khoảng 100 triệu USD sang EU hiện nay, EVFTA mang lại cơ hội tăng trưởng lên 200 triệu USD hoặc nhiều hơn" - ông Nguyên dự báo.
Với Đức, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá đây là thị trường lớn với nhiều đối tác quan trọng. Đặc biệt, Đức là một trong những cửa ngõ vào châu Âu cùng mức thu nhập của người dân cao nên khả năng mua sản phẩm trái cây, rau củ chất lượng cao là rất lớn. Hiện các chuỗi siêu thị lớn hàng đầu của Đức như Netto, Edeka, Selgros đã nhập khẩu và phân phối thành công các sản phẩm trái cây Việt Nam, đặc biệt là thanh long.
EU còn là khách hàng lớn nhất của DN xuất khẩu tôm Việt Nam nên DN ngành này kỳ vọng EVFTA tạo ra "bước nhảy" đáng kể. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định khi thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU giảm từ 12%-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu tôm sang thị trường này có thể tăng 20% nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, đánh giá: "EVFTA là cơ hội lớn cho các DN ngành cơ khí, bởi các nước tiên tiến ngày càng thu hẹp nhà máy sản xuất trong lĩnh vực này. Thị trường chính của Lập Phúc là Mỹ, chưa có khách hàng ở EU. Khi EVFTA có hiệu lực, nếu mở rộng nhà máy và tăng công suất, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội làm ăn với thị trường EU".
Gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tại Fruit Logistica 2020 Ảnh: Nguyễn Phúc
Nhà nước hỗ trợ, DN không làm cũng thua!
Nói về thời cơ từ EVFTA, ông Đặng Phúc Nguyên đúc kết: "Việc tháo gỡ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu, nhà nước đã làm xong. Giờ tới phần của nông dân, DN phải làm, đó là đẩy mạnh trồng, đóng gói những sản phẩm đạt chất lượng, nhất là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Muốn vậy, phải tăng tỉ lệ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện tỉ lệ này còn ít, chỉ 5%-10% tổng sản lượng. Nhà nước hỗ trợ nhưng nông dân, DN không làm thì cũng thua".
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cũng nêu quan điểm vấn đề quan trọng trong bối cảnh này là làm sao để DN Việt khai thác, tận dụng được cơ hội từ EVFTA?
Ông Kiệt phân tích dù xuất khẩu sang EU nhiều năm qua có sụt giảm nhưng riêng ngành xuất khẩu giày dép, túi xách sang EU vẫn tăng trưởng tốt và hiện chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của cả ngành. Khi có EVFTA, cơ hội xuất khẩu tăng lên nhưng DN phải làm quen với các yêu cầu về nguyên liệu, thiết kế của thị trường này nên chưa chắc các DN đang sản xuất hàng đi Mỹ, Nhật... sẽ dồn sang làm hàng xuất khẩu EU. Do đó, cơ hội lớn nhất thuộc về các DN đang xuất vào EU có thể sẽ gia tăng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này.
Lãnh đạo Lefaso lưu ý trong lúc chờ EVFTA được thông qua, DN Việt cần quan tâm tới một số đối thủ cạnh tranh cùng xuất hàng vào EU như Bangladesh. Đây là thị trường hưởng được ưu đãi từ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đặc biệt của EU với tất cả sản phẩm có thuế bằng 0%; ngoài ra, chi phí nhân công thấp hơn nhiều so với Việt Nam...
"DN Việt không nên chủ quan và cần lưu ý để cạnh tranh với các thị trường bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sang Bangladesh để tận dụng cơ hội. Quan trọng hơn, nhà nước và DN cần quan tâm đến bài toán nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nhằm vừa hưởng ưu đãi từ EVFTA vừa tránh phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu từ nước khác và phát triển bền vững" - ông Diệp Thành Kiệt khuyến cáo.
Phó Chủ tịch Lefaso vẫn đánh giá cao EVFTA dù Anh rời khỏi EU bởi 27 quốc gia là thành viên đã là thị trường lớn cho Việt Nam. Ở góc độ khác, trong bối cảnh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến qua Mỹ và rơi vào danh sách các quốc gia bị giám sát tiền tệ thì EVFTA là cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu.
Mức cam kết cao nhất
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0%.
"Cùng với cơ hội thì việc thực thi các FTA thế hệ mới đặt ra không ít thách thức cho DN và nền kinh tế, như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại... Để tận dụng tốt cơ hội, DN phải thay đổi tư duy kinh doanh, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
P.Nhung
Doanh nghiệp châu Âu cũng hưởng lợi
Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU, được Việt Nam xóa bỏ. Sau 10 năm, mức xóa bỏ số dòng thuế này tăng lên 98,3%, tương ứng 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU được Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ dài hơn 10 năm hoặc áp dụng theo cam kết WTO.
Cụ thể, trong nhóm mặt hàng ôtô, phụ tùng ôtô, xe máy, hiệp định áp dụng đưa thuế suất về 0% sau 9 năm với ôtô phân khối lớn, 10 năm với các loại ôtô khác, 7 năm với phụ tùng ôtô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3. Trong nhóm mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia, hiệp định quy định thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh và sau 10 năm với bia. Ngoài ra, thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thịt heo đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt heo khác; xóa bỏ thuế trong lộ trình 10 năm với thịt gà nhập khẩu EU.
Về đầu tư, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định EVFTA sẽ hỗ trợ Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa cho DN châu Âu tại Đông Nam Á. Về lâu dài, hiệp định này sẽ góp phần tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, từ đó hỗ trợ Việt Nam thích nghi với tốc độ tăng trưởng nhanh và giúp các nguồn đầu tư vào Việt Nam bền vững hơn. "EU là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quan trọng cho Việt Nam với tổng vốn tích lũy đạt 19,2 tỉ USD vào năm 2017. EVFTA sau khi thông qua sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên. EVFTA sẽ kích hoạt tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, cải thiện khung pháp lý, tăng cường môi trường thương mại và đầu tư, giảm thiểu các rào cản thương mại, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu" - Eurocham đánh giá.
Bình luận (0)